Vai trò của nhà giáo trong kỷ nguyên số: Không bị thay thế mà được nâng cao

Kỷ nguyên mới với trí tuệ nhân tạo - AI không làm lung lay vai trò của giáo viên, biến công việc của người giáo viên trở nên không cần thiết, mà ngược lại chính cơ hội để đưa công việc của nhà giáo trở về với đúng ý nghĩa của giáo dục.

Trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ và tạo ra những thay đổi lớn ở hầu hết lĩnh vực, giáo dục cũng không nằm ngoài sự tác động này. Kỷ nguyên số đem đến cả cơ hội và thách thức cho ngành giáo dục và đội ngũ giáo viên, yêu cầu sự chuyển đổi không ngừng để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới.

Kỷ nguyên số ảnh hưởng đến cách thức cộng đồng xác lập vị trí của nhà giáo

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, nền giáo dục của chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới, ảnh hưởng rất nhiều bởi trí tuệ nhân tạo cũng như tự động hóa. Vì vậy, dường như ở một khía cạnh nào đó đã ảnh hưởng đến cách thức mà cộng đồng hay xã hội xác lập vị trí của nhà giáo, sự tôn trọng đối với nhà giáo.

Thực tế, công nghệ đã đem lại rất nhiều điều mới mẻ và có thể đã thay đổi cách tiếp cận giáo dục “đồng phục” trước đây - khi mà giáo dục tập trung vào tri thức, nơi vai trò của người thầy trở thành trung tâm của tri thức.

z6046292640981-eb29059ad157ecd28b51f7b971055ac4.jpg
Cô và trò một trường THPT tại Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới

Hiện nay, cùng với công nghệ thông tin và tự động hóa, giáo dục không chỉ được tiếp cận theo hướng “đồng phục” mà phải hướng đến hỗ trợ cá nhân hóa. Trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành công cụ, người trợ lý rất thông thái giúp giáo viên giảm tải những công việc hành chính, lên được chương trình phù hợp với năng lực của từng cá nhân, giúp giáo viên cung cấp và tổng hợp kiến thức cho bài giảng rất nhanh; kiểm tra, đánh giá mức độ nắm hiểu bài của học sinh,...

Với học sinh, ngày nay, nhờ sự phong phú của tài nguyên trên internet, trẻ em không cần một giáo viên để tìm thông tin. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể tìm thấy lượng lớn thông tin chất lượng cao rất nhanh thông qua Google, mạng xã hội. Mặc dù kiến thức vẫn quan trọng, nhưng không còn là “hàng hiếm” như trước đây, bởi rất nhiều thông tin có sẵn miễn phí. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra rằng: dường như vai trò của nhà giáo không còn quan trọng.

PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, trên thực tế, nền giáo dục của chúng ta đang chuyển hướng, nhà giáo hiện không còn đóng vai trò là trung tâm của tri thức. Tuy nhiên, nhà giáo lại thực hiện rất nhiều vai trò, không đơn thuần là “người dạy chữ” mà phải biến mình trở thành nhà giáo dục, người dẫn đường, người truyền cảm hứng, động lực.

“Trí tuệ nhân tạo hay các phần mềm, dẫu có hiện đại nhất cũng chưa thể nào “dạy người” được tốt. Vì nhà giáo dục, các thầy cô giáo dục cho học trò bằng nhân cách của chính mình. Tất cả những giá trị như hoài bão, ước mơ, quan điểm, lập trường, khát vọng cống hiến, hay tình yêu thương, sự gắn kết với quê hương, cộng đồng, gia đình, mong muốn vượt khó và tạo ra những giá trị mới,... máy móc sẽ không thể giúp người học”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Cũng theo ông, thực tế hiện nay, nhiều gia đình có nguồn lực tốt nhưng vì quá bận rộn nên dường như đang giao nhiều hơn các trách nhiệm cho thầy cô trong việc giáo dục trẻ về lối sống, cách cư xử,... Nhiều trường hợp, thầy cô đóng vai trò như nhà tâm lý hỗ trợ khi các con gặp tổn thương. Những khía cạnh này, trí tuệ nhân tạo hay bất cứ ứng dụng nào cũng không thể thay thế.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, để có thể giúp xây dựng cho người học trò những phẩm chất như có đam mê, hoài bão, có quan điểm, lập trường, có khát vọng cống hiến, có tình yêu thương,... chính người thầy phải tự rèn luyện tất cả những năng lực, phẩm chất đó. Muốn dạy cho học trò lòng yêu thương, thầy cô phải có lòng yêu thương. Muốn dạy cho học trò khát vọng cống hiến, bản thân thầy cô phải có khát vọng cống hiến. Hay muốn xây dựng cho thế hệ trẻ ước mơ, hoài bão, bản thân thầy cô cũng phải có ước mơ, hoài bão và chia sẻ với học trò những khát vọng này.

“Khi thầy cô có tất cả những phẩm chất như vậy, họ xứng đáng được tôn trọng, không chỉ từ phía các thế hệ học trò mà cả với xã hội”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

pgs-ts-tran-thanh-nam-1694996656388-1.jpg
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Cần sự can đảm của những người làm giáo dục

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, một thực tế khác cần đề cập hiện nay là nhiều gia đình quá coi trọng vấn đề thi cử. Các bài kiểm tra dù đang trong quá trình thay đổi nhưng vẫn chủ yếu đánh giá về kiến thức, tri thức. Những yếu tố như phẩm chất của học sinh, tư duy phản biện, quan điểm sống, sự sáng tạo, khát vọng của học sinh... chưa được đề cao. Do đó, rất nhiều phụ huynh chỉ chú trọng vào việc con mình được bao nhiêu điểm, xếp hạng thế nào thay vì hiểu trong quá trình học, con đã lớn lên như thế nào, phát triển nhân cách ra sao. Trong khi đó, những yếu tố này lại rất cần thiết để giúp con phát triển, có sự nghiệp bền vững về sau.

“Nếu quan điểm của bố mẹ vẫn chỉ chạy theo thành tích thì sẽ không bao giờ nhìn nhận đúng được những đóng góp của thầy cô vào sự hình thành, phát triển nhân cách con người toàn diện cho mỗi đứa trẻ”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.

Ông khẳng định, nếu nhìn nhận theo góc độ đa chiều như trên, nhà giáo cần được xác lập lại vị trí thực sự đáng tôn trọng trong xã hội. Nhà nước, các bộ, ban, ngành cần có trách nhiệm giúp cộng đồng nhìn thấy và trân trọng những đóng góp cũng như ảnh hưởng của nhà giáo. Các chính sách về đãi ngộ, ứng xử cũng cần được tập trung để nhà giáo cũng cảm giác rằng nghề nghiệp của họ được trân trọng, được ghi nhận.

Đặc biệt, để có được sự chuyển hóa này, bản thân những người làm giáo dục cần can đảm. Các thầy cô cũng phải trở nên tự tin, tự chủ và tự cập nhật bản thân để cộng đồng thấy rằng trong nền giáo dục mà AI đang hội nhập vào trong mọi ngóc ngách của cuộc sống thì AI chỉ là một người trợ lý thông thái của thầy cô, không thể thay thế được vai trò của nhà giáo.

Bên cạnh đó, giáo viên cần được nâng cao các năng lực số, qua đó họ có thể tổ chức được các bài giảng, các hoạt động chuyên môn có tận dụng và tích hợp được AI như một công cụ nâng cao chất lượng, hiện thực hóa ý tưởng, mục tiêu giáo dục của mình. Khi ấy, vai trò, vị trí của người giáo viên cũng sẽ được cộng đồng ghi nhận một cách rõ hơn.

“AI không thể nào đưa ra được mục tiêu giáo dục, AI không thể nào có nhân cách để giáo dục người học bằng nhân cách. Tình yêu thương không thể nào được giáo dục thông qua việc đọc mấy dòng chữ phản hồi từ một phần mềm trí tuệ nhân tạo. Tình yêu thương chỉ có thể hình thành, xuất phát từ tấm lòng yêu thương của chính các thầy, các cô”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học
Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh vừa làm việc với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước
Giáo dục

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước

Ngày 2.4, Viện Đào tạo số và Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi Đánh giá năng lực (HSA) tháng Ba, năm 2025. Theo đó, đến hết tháng Ba năm 2025, kỳ thi đã tổ chức được 2 đợt thi liên tiếp, phục vụ 30.793 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ 99,4% đăng ký của hai đợt thi này.

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thời sự Quốc hội

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Chiều 1.4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân
Giáo dục

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân

Sáng 1.4, Viện CFA (Hoa Kỳ) đã trao giấy chứng nhận đối tác cho các chương trình đào tạo Tài chính Doanh nghiệp Chất lượng cao và Tài chính Tiên tiến của Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế của nhà trường.