Vai trò của Cục Pháp chế Nội các

Minh Thy 29/03/2013 08:38

Ở Nhật Bản, đối với các dự luật do Nội các trình, Cục Pháp chế Nội các (Legislation Bureau of the Cabinet) có vai trò quan trọng trong việc thẩm định tính hợp Hiến.

Năm 1885, Cục Pháp chế Nội các được thành lập, có chức năng thẩm định về mặt pháp lý đối với các dự luật do Nội các trình. Sở dĩ ở Nhật Bản thành lập cơ quan này vì Nội các có trách nhiệm rất lớn trong việc bảo đảm tính tương thích và phù hợp với Hiến pháp và pháp luật đối với những dự án luật do Nội các trình. Ngoài ra, Hiến pháp quy định Thủ tướng, Bộ trưởng và các công chức nhà nước khác có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp. Như vậy, để xử lý các vấn đề liên quan đến Hiến pháp và pháp luật, nhu cầu cần phải hình thành một tổ chức chuyên môn, trực thuộc Nội các, hỗ trợ cho Nội các là hợp lý.

Cục pháp chế Nội các thẩm định các dự luật về: việc tuân thủ nguyên tắc xây dựng văn bản pháp luật hay việc sử dụng thuật ngữ trong dự thảo, cũng như tính tương thích với Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác. Cục Pháp chế Nội các dựa trên một số quy tắc như luật chuyên ngành có ưu thế được áp dụng so với luật chung, luật ban hành sau có hiệu lực… Cục pháp chế Nội các có trách nhiệm thẩm định các dự thảo nghị định trước khi chúng được đưa ra thảo luận tại Nội các (số lượng nghị định gần đây khoảng 400 nghị định/năm).

Nguồn: kantei.go.jp
Nguồn: kantei.go.jp

Quy trình thẩm định của Cục pháp chế Nội các như sau: khi nhận được yêu cầu của Bộ chịu trách nhiệm chuẩn bị dự luật, Cục Pháp chế sẽ thẩm định dự luật và chuyển lại cho Bộ, Bộ chuyển dự luật cho Văn phòng Nội các và Văn phòng Nội các sẽ yêu cầu thẩm định; Cục Pháp chế tiến hành thẩm định và gửi lại Văn phòng Nội các để Văn phòng đưa dự thảo ra thảo luận trước toàn thể Nội các, trước khi trình ra Nghị viện. Yêu cầu đối với công tác thẩm định là bảo đảm tính hợp Hiến và phù hợp với hệ thống pháp luật; những điều khoản trong luật phải vừa thể hiện được ý tưởng của nhà làm luật, vừa dễ hiểu với người dân, bảo đảm tính chính xác, không bị hiểu đa nghĩa…

Ngoài ra, trong trường hợp giữa các bộ, ngành có cách hiểu khác nhau về việc giải thích luật, Cục Pháp chế Nội các sẽ trình bày quan điểm về vấn đề này. Mặc dù việc giải thích pháp luật chính thức được giao cho Tòa án Tối cao, nhưng trong nội bộ của nền hành chính, ý kiến của Cục Pháp chế Nội các cũng có trọng lượng.

Cơ cấu tổ chức của Cục Pháp chế Nội các Nhật Bản gồm có Cục trưởng, Phó cục trưởng; cùng 4 Phòng, Ban và Văn phòng Cục. Cục trưởng có vị trí tương đương với Bộ trưởng, nhưng không phải là chức danh chính trị, không phải là thành viên Nội các. Biên chế của Cục này gồm có 77 người, trong đó có 22 chuyên gia cao cấp là những người có thâm niên làm việc ở bộ, ngành trên 10 năm, ở cấp bậc tương đương trưởng phòng, được điều động về làm cho Cục Pháp chế trong 5 năm. Để hỗ trợ cho công việc của các chuyên gia cao cấp có chuyên viên văn phòng, được tuyển dụng qua thi tuyển và chủ yếu có nhiệm vụ kiểm tra về mặt kỹ thuật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vai trò của Cục Pháp chế Nội các
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO