Vai trò của chủ tọa góp phần quyết định hiệu quả kỳ họp HĐND

01/07/2007 00:00

Chủ tọa kỳ họp của cơ quan dân cử là những người có nhiệm vụ, quyền hạn điều hành các phiên họp của QH và HĐND. Theo quy định của pháp luật, chủ toạ kỳ họp QH là Chủ tịch và các Phó chủ tịch QH; Chủ toạ kỳ họp HĐND là Thường trực HĐND các cấp. Chủ tọa không chỉ điều hành các phiên họp mà còn định hướng để kỳ họp đạt được các mục tiêu đã định.

      Mỗi phiên họp, để có phương thức làm việc phù hợp, chủ toạ phải theo dõi, lựa chọn, sắp xếp thông tin theo từng lĩnh vực, từng ngành để chuẩn bị nội dung, điều hành các phiên thảo luận. Tại phiên thảo luận, chủ toạ là người gợi ý, dẫn dắt, định hướng đại biểu phát biểu; Nắm bắt, tiếp thu những ý kiến phát biểu phù hợp với thực tiễn để định hướng, điều hành thảo luận; Kết luận các vấn đề mà đại biểu có ý kiến khác nhau để yêu cầu cơ quan soạn thảo bổ sung vào báo cáo, dự thảo luật, nghị quyết... Trong phiên họp chất vấn, chủ tọa điều hành để người chất vấn và người trả lời chất vấn đều đi đúng mục đích, làm rõ trách nhiệm về những vấn đề liên quan. Trong phiên họp thông qua các văn bản, chủ toạ phải tóm lại các vấn đề thảo luận đã được tiếp thu, bổ sung vào văn bản những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để đại biểu biểu quyết. Ngoài ra, chủ toạ còn phải xem xét để điều chỉnh chương trình, bố trí thời gian hợp lý cho từng nội dung của kỳ họp...
      Thời gian qua, nhiều kỳ họp của QH, HĐND chủ toạ đã hoàn thành xuất sắc công tác điều hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử. Tuy vậy, cũng có nhiều kỳ họp của HĐND các cấp diễn ra theo kiểu đến hẹn lại lên, thảo luận lan man không tập trung, không bàn bạc trúng những vấn đề  quốc kế dân sinh. Những kỳ họp như thế đã làm mất đi ý nghĩa của hoạt động quan trọng nhất của cơ quan dân cử, vì thế nhiều người cho rằng hoạt động của HĐND còn nặng tính hình thức, thủ tục, chưa thể hiện rõ quyền quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Điều đó cũng có nghĩa là một số kỳ họp của HĐND tổ chức tốn kém nhưng không đem lại hiệu quả thiết thực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chủ tọa chưa thực hiện tốt vai trò điều hành kỳ họp. Trên thực tế không ít phiên họp có những ý kiến phát biểu khác biệt, trái chiều, có lúc khác hẳn với nội dung chuẩn bị của cơ quan soạn thảo và thẩm tra. Chủ tọa chưa đủ năng lực, bản lĩnh để khái quát, kết luận vấn đề, đưa ra được những luận chứng để thuyết phục đại biểu theo hướng nào, nên kỳ họp đã không đạt các mục tiêu dự kiến. Có nơi còn xảy ra trường hợp, do chủ toạ không điều hành tốt phiên thảo luận nên diễn đàn kỳ họp đã trở thành nơi báo cáo thành tích của một số cơ quan, đơn vị... Dân gian có câu: “Hội đồng giơ tay, Ủy ban chỉ tay” có lẽ cũng bắt nguồn từ một số phiên họp như thế.
      Tuy nhiên nếu thực hiện đúng theo quy định về quyền hạn và trách nhiệm, chủ tọa kỳ họp sẽ là nhân tố quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử và tác động tích cực đến hoạt động của từng đại biểu dân cử. Cụ thể, ý kiến, đề xuất của các cơ quan của QH, các ban HĐND và từng đại biểu dân cử có được xem xét và thảo luận kỹ tại diễn đàn của cơ quan dân cử không... phụ thuộc nhiều vào công tác điều hành của chủ toạ. Bởi chủ tọa là người định hướng, khuyến khích, gợi ý để đại biểu thảo luận. Nói cách khác, chủ tọa có vai trò tạo ra diễn đàn để cơ quan dân cử và từng đại biểu dân cử phát huy năng lực, hiệu quả hoạt động. Vì thế, muốn phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử tại các kỳ họp rất cần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực điều hành của chủ toạ kỳ họp. 
      Đối với từng đại biểu dân cử, chủ toạ kỳ họp tạo ra môi trường để đại biểu phát huy vai trò và vị thế, thông qua việc gợi ý phát biểu, đặc biệt là phản biện có căn cứ đối với những nội dung cơ quan soạn thảo đưa ra. Kinh nghiệm cho thấy, ý kiến đại biểu dù hay nhưng chủ toạ chưa ghi nhận, hoặc không tạo điều kiện để thảo luận sâu thêm thì cũng không phát huy tác dụng kịp thời. Vì thế, để động viên và khuyến khích đại biểu phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm tại kỳ họp thì chủ toạ cần có thái độ bình tĩnh, khách quan, lắng nghe và sàng lọc, lựa chọn thông tin trong ý kiến của đại biểu để định hướng thảo luận.
      Thực tế cho thấy, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử và từng đại biểu dân cử tại các kỳ họp phụ thuộc nhiều vào năng lực điều hành của chủ tọa. Vì thế, việc nâng cao năng lực điều hành của chủ toạ kỳ họp, tìm ra những phương pháp điều hành phù hợp chính là góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử.

Hà Văn Tuấn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vai trò của chủ tọa góp phần quyết định hiệu quả kỳ họp HĐND
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO