Vai trò của biên đạo múa

- Thứ Bảy, 04/08/2012, 08:41 - Chia sẻ
Với thực trạng diễn ra khá lộn xộn đối với múa minh họa, phụ họa hiện nay, không ít ý kiến cho rằng, cần tăng cường vai trò của tác giả, biên đạo múa. Bởi tài năng dàn dựng của biên đạo là thông qua ngôn ngữ, hình tượng múa giúp cho ca khúc được diễn và thể hiện hay hơn.

Đây cũng chính là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo Vấn đề múa minh họa, phụ họa trong các chương trình ca nhạc hiện nay, do Hội Nghệ sỹ Múa Hà Nội vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, số biên đạo múa được đào tạo bài bản, tài năng hiện rất ít ỏi. Các biên đạo múa chủ yếu dùng vốn liếng là kinh nghiệm và học qua băng đĩa nước ngoài. Vốn đến đâu dùng đến đó. Bên cạnh đó, không ít biên đạo còn chạy sô nhiều chương trình nghệ thuật nên càng khó đòi hỏi chất lượng. Ngay cả những biên đạo múa được đánh giá cao về chuyên môn cũng không thể sáng tạo được những động tác, điệu nhảy mới trong tình trạng lịch chạy sô dày đặc như hiện nay. Điểm lại nhiều chương trình, các màn múa chủ yếu chỉ vài động tác cơ bản, đơn giản như vung tay, đá chân…


Nguồn: info.vn

Không những thế biên đạo còn sáng tạo theo kiểu kết hợp giữa yếu tố hiện đại một cách bất hợp lý. Như múa đôi của người Mông nguyên bản không có cảnh cõng vác, bế nhau của kỹ thuật ballet và múa hiện đại nhưng đã có biên đạo múa thêm những động tác này vào màn múa đậm chất dân gian. Sự tùy tiện ấy khiến màn múa trở nên khập khiễng và khó chấp nhận.

NSND Lê Huân cho rằng, dưới bàn tay thiếu tài năng của biên đạo múa đã khiến không ít khán giả bị hiệu ứng loạn mắt không còn cảm thụ được tai nghe cái hay của ca khúc khi xem ca múa nhạc. Cực chẳng đành, năm 2010 khi TP Đà Nẵng tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học, nghệ thuật lần thứ II, đích thân chủ tịch thành phố đã chỉ thị không một ca khúc nào được cho phần phụ diễn của múa, NSND Lê Huân kể.

Ở nước ngoài, một ca sĩ khi dự định tổ chức chương trình biểu diễn cá nhân là dành gần cả năm hoặc nửa năm trời để chuẩn bị mọi thứ, trong đó có tập vũ đạo. Chính vì vậy, biên đạo múa có nhiều thời gian để sáng tạo. Trong khi ở nước ta, ca sĩ vẫn làm việc với tinh thần “nước đến chân mới nhảy”. Thường các biên đạo múa chỉ có một tuần để chuẩn bị cho phần của mình.

NSƯT Nguyễn Mạnh Hà chỉ ra rằng, không ít biên đạo dễ dãi với mình, không chịu tìm tòi, sáng tạo. Thực tế nhiều biên đạo múa xem múa minh họa, phụ họa là giải pháp an toàn, không tốn kém. Đơn cử như các tiết mục biểu diễn ở quảng trường lớn số lượng diễn viên đông đảo, chủ yếu là đội ngũ múa không chuyên còn các diễn viên múa có nghề thường chỉ được bày lên mặt tiền nhằm thu hút khán giả nên các biên đạo chẳng dại gì mà dàn dựng những động tác kỹ thuật, kỹ xảo cầu kỳ mà chủ yếu mượn các đạo cụ cờ, quạt, khăn, nón, hoa… lộng lẫy, sặc sỡ làm “hoa mắt” khán giả.

Còn theo Ths Phạm Ngọc Thoan, việc dàn dựng múa cho các tiết mục ca nhạc không dễ dàng chỉ trong vài ba buổi tập bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào màu sắc cảm xúc và các ý tưởng cụ thể của từng ca khúc. Các nhà vũ đạo cần nhận thức lại vai trò của họ. Đã đứng ở vị trí nhà sáng tạo nghệ thuật, mọi sản phẩm do mình làm ra phải mang đầy đủ phẩm chất nghệ thuật.

Đồng tình với quan điểm này, NSND Lê Huân chia sẻ kinh nghiệm, là biên đạo có hơn 50 năm trong nghề, dàn dựng hàng trăm tác phẩm hát múa cho sân khấu ca múa nhạc cả chuyên nghiệp lẫn quần chúng, ở mỗi bài hát tôi đều suy ngẫm đến nội dung, giai điệu để tìm ra được ý tưởng, hình tượng riêng của múa. Tôi không tách bạch sự minh họa hay phụ họa của múa mà bám theo ý tưởng nội dung ca từ tìm hình tượng khái quát và không lệ thuộc vào câu chữ. Người biên đạo phải suy tư, trăn trở rất nhiều. Mỗi ca khúc được dàn dựng hát múa thành công người biên đạo là đồng sáng tạo nghệ thuật với nhạc sỹ, ca sỹ, đóng góp cho sự thành công ấy. Biên đạo múa không nên minh họa quá cụ thể theo từng ca từ theo kiểu, dựng hình ảnh một đôi trai gái hôn nhau trên cửa sổ trong bài hát của nhạc sỹ Xuân Hồng với câu đầu tiên: Cao cao bên cửa sổ, có hai người hôn nhau.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn làm cho hay, thì một năm, biên đạo múa chỉ nên nhận một hoặc hai chương trình. Đó chính là khoảng thời gian giúp họ suy nghĩ, tìm tòi, chắt lọc để có thể tìm ra ý tưởng tốt nhất cho múa phụ họa. Sâu xa hơn, các biên đạo múa cần đi theo hướng chuyên nghiệp, có như vậy nghệ thuật múa nói riêng, nghệ thuật biểu diễn nói chung mới có thể bước vào con đường hội nhập một cách chuyên nghiệp nhất.

Đinh Loan