Vải thiều Bắc Giang dự kiến đạt sản lượng 165.000 tấn
Theo thống kê, năm 2025 toàn tỉnh Bắc Giang có 29.700ha vải thiều. Đến nay tỷ lệ vải thiều ra hoa đạt hơn 90%, dự kiến tỷ lệ đậu quả đạt hơn 80%; diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 16.000ha, Global GAP là 204ha, hữu cơ là 10ha. Dự kiến vải sớm thu hoạch từ ngày 20/5 - 15/6/2025; vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 - 30/7/2025.
Chất lượng vải thiều tốt nhất từ trước đến nay
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho thấy năm 2025, diện tích vải thiều toàn tỉnh được duy trì ổn định ở mức 29.700ha, bao gồm 8.000ha vải sớm và 21.700ha vải chính vụ. Sản lượng dự kiến đạt 165.000 tấn, trong đó vải sớm ước tính đạt 60.650 tấn và vải chính vụ 104.350 tấn. Giá trị sản xuất vải thiều được kỳ vọng đạt khoảng 5.000 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Giang đánh giá năm nay sản xuất vải thiều đối mặt với điều kiện thời tiết bất thuận, nắng nóng, khô hạn. Nhiều tháng qua, Bắc Giang gần như không có mưa, dẫn đến một số cây vải ở vùng cao bị chết do hạn. Để khắc phục, ngành nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào, đồng thời dự báo kịp thời tình hình sâu bệnh để có biện pháp ứng phó hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã chủ động phối hợp tham mưu, chỉ đạo sản xuất; kiểm tra, giám sát 240 mã số vùng trồng vải xuất khẩu với tổng diện tích khoảng 17.400ha; hướng dẫn các hộ trồng vải thực hiện đúng quy trình sản xuất của nước nhập khẩu như: sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép nhật ký đồng ruộng.

Đồng thời giám sát 39 cơ sở đóng gói vải phục vụ xuất khẩu, trong đó phối hợp với Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (được phía Nhật Bản ủy quyền) tiến hành kiểm tra định kỳ cơ sở đóng gói của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu, kết quả kiểm tra đạt yêu cầu; hướng dẫn Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco lập và hoàn thiện hồ sơ cơ sở đóng gói vải xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của Công ty gửi Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) và đang chờ cấp chứng nhận.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết chất lượng vải thiều Bắc Giang năm nay cao hơn năm trước và có thể nói là tốt nhất từ trước đến nay. Hiện tại, tỉnh có 16.000ha vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, 204ha đạt GlobalGAP và 10ha sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.
Tổ chức tiêu thụ linh hoạt, sát thực tế
Tỉnh Bắc Giang xác định tất cả các thị trường trong và ngoài nước đều quan trọng, do đó việc kết nối tiêu thụ được xúc tiến từ đầu vụ và dự kiến phân phối tới các chợ đầu mối, chợ truyền thống cả nước, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai.
Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng vải thiều, Bắc Giang cũng đang cố gắng mở rộng thị trường tiêu thụ với mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương. Từ đầu vụ, tỉnh Bắc Giang đã chủ động kết nối ngay với các hệ thống phân phối lớn như Tập đoàn Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, Saigon Co.op (Co.opmart), WinCommerce (WinMart), cùng các chợ đầu mối và chợ truyền thống tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành phố khác. Khuyến khích các doanh nghiệp, thương nhân ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã và nhà vườn.
Đặc biệt, Bắc Giang đang đổi mới phương thức tiêu thụ bằng cách kết hợp bán hàng truyền thống với thương mại điện tử. Vải thiều được đưa lên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, cũng như quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo, YouTube. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối được khuyến khích mở rộng mạng lưới thu mua, ưu tiên phân phối vải thiều, bảo đảm đưa sản phẩm tươi ngon nhất đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh thị trường truyền thống là Trung Quốc, Bắc Giang tiếp tục mở rộng, hoàn chỉnh chuỗi cung ứng xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Malaysia, Singapore và tiếp cận thị trường Trung Đông, Canada.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc bộ hỗ trợ, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh trong chỉ đạo, dự tính, dự báo phòng trừ sâu bệnh, tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm nay.
Đồng thời hoàn thiện các điều kiện chiếu xạ theo yêu cầu của phía Mỹ đối với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội hoặc xây dựng mới cơ sở chiếu xạ tại miền Bắc để chủ động thực hiện cho chiếu xạ nông sản, trong đó có quả vải thiều xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Australia...