Kinh tế

Vải chín sớm được mùa, được giá: Niềm vui lớn của người dân Ea Sar

Djuang Niê 13/05/2025 22:45

Vụ thu hoạch vải chín sớm tại xã Ea Sar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đang bước vào cao điểm trong không khí đầy hứng khởi.

z6597002931434_b681d3aa24f4c6a892952ca0f8b6ccd0.jpg
Người dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) phấn khởi thu hoạch vải chín sớm

Sản lượng tăng mạnh, chất lượng được khẳng định

Xã Ea Sar hiện là vùng trồng vải chín sớm trọng điểm của huyện Ea Kar. Theo thống kê, toàn xã có khoảng 400 ha vải, trong đó 320 ha đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt hơn 5.000 tấn, tăng gấp gần ba lần so với năm 2024. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar, Hà Trung Tướng khẳng định, để có được kết quả ấn tượng này, thời gian qua, địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ khâu chăm sóc đến thu hái, bảo quản.

“Chúng tôi đã vận động bà con áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời hướng dẫn quy trình chăm sóc cây vải theo chuẩn kỹ thuật để quả phát triển đều, mẫu mã đẹp. Người dân cũng được khuyến cáo thu hoạch khi quả đạt độ chín từ 75 - 85% để bảo đảm chất lượng đầu ra và tăng khả năng bảo quản, tiêu thụ”, ông Tướng chia sẻ.

z6597002919788_1c471c84f262c84ee48c54a52e0d54d1.jpg
Vải chín sớm đầu mùa được thương lái đến thu mua tận vườn với giá từ 55.000 - 65.000 nghìn đồng/kg

Điểm nổi bật của vải Ea Sar là chín sớm hơn so với các vùng khác trong cả nước, từ 10 - 15 ngày. Nhờ vậy, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh lớn, được thương lái thu mua với mức giá cao từ 62.000 - 65.000 nghìn đồng/kg ngay từ đầu vụ. Theo đánh giá của các doanh nghiệp và thương lái, vải Ea Sar năm nay có mẫu mã đẹp, quả tròn đều, vỏ mỏng, cùi dày, độ ngọt cao và đặc biệt là chất lượng đồng đều giữa các vườn.

z6597002908080_e545232e828cb0d3f091bf0eccea4689.jpg
Vườn vải chín đỏ chờ thu hoạch tại xã Ea Sar

Đáng chú ý, toàn xã hiện có 3 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 103 ha được cấp theo tiêu chuẩn VietGAP, điều kiện bắt buộc để sản phẩm vải có thể vươn ra thị trường xuất khẩu. Đây là bước tiến lớn trong chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nâng cao giá trị nông sản và hướng tới phát triển bền vững.

Hướng tới chuỗi liên kết bền vững

Vụ mùa năm nay không chỉ là mùa vàng của cây trái mà còn là mùa của niềm tin, kỳ vọng đối với người trồng vải. Gắn bó với cây vải đã 6 năm, bà Vũ Thị Nan (thôn 6, xã Ea Sar) cho biết, gia đình hiện có 4,4 ha trồng vải u hồng và vải u trứng, sản lượng ước đạt từ 25 - 30 tấn. “Ngay đầu vụ tôi đã bán được hơn 3 tạ với giá 55.000 đồng/kg. Gia đình phải thuê thêm lao động thu hái với giá 45.000 đồng/giờ để bảo đảm tiến độ. Dự kiến cả vụ phải thuê trên 100 công. Vải được mùa, được giá nên chúng tôi rất phấn khởi”, bà Nan chia sẻ.

z6597002916192_93a56846d914793da22226491f88fe59.jpg
Bà Vũ Thị Nan thôn 6, xã Ea Sar (bên phải) vui mừng vì niên vụ vải năm nay "được mùa, được giá"

Tương tự, chị Lê Thị Cúc, chủ vườn vải hơn 1 ha tại địa phương dự kiến thu hoạch khoảng 10 tấn quả trong năm nay. Với giá bán như hiện tại, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình chị có thể thu lãi khoảng 200 triệu đồng. “Thời tiết năm nay rất thuận lợi cho cây vải. Đặc biệt, nhờ có thương lái đến tận vườn thu mua, lại được giá nên người dân rất yên tâm mở rộng sản xuất”, chị Cúc nói.

Đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thị trường, Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Thanh Bình do ông Trần Văn Bình làm Giám đốc đã chủ động phối hợp với người dân thu mua, đóng gói vải ngay tại vườn. Theo ông Bình, năm nay sản phẩm vải Ea Sar không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia và đặc biệt là thị trường Nhật Bản, nơi có yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

z6597002898074_ef223bae5bee7fac9e6c612445bdad2f.jpg
z6597002882571_24b5a6a144d28cfc60f7a137610c95ce.jpg
Thời tiết thuận lợi cây vải cho quả to đều và đẹp

“Chúng tôi lựa chọn thu mua tại các vùng trồng đạt chuẩn, có mã số và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Có ngày cao điểm, Hợp tác xã thu mua khoảng 50 tấn vải, đóng gói trực tiếp tại vườn để bảo đảm độ tươi ngon. Việc kết nối sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi không chỉ giúp nông dân yên tâm đầu tư mà còn giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng chất lượng cao”, ông Bình cho biết.

Theo Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ea Kar, Y Non Mlô , cây vải chín sớm đang khẳng định được vai trò trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương. “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mã số vùng trồng, hỗ trợ sản xuất theo quy trình an toàn và kết nối doanh nghiệp tham gia tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu. Đây là hướng đi phù hợp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản bền vững”, ông Y Non nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vải chín sớm được mùa, được giá: Niềm vui lớn của người dân Ea Sar
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO