Trên đường phát triển

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng:Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững

Đồng Văn Thưởng 30/06/2025 20:40

Ngay sau Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, sáng 30/6, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân về mục tiêu đưa Thái Nguyên tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Bước chuyển chiến lược

- PV: Chúc mừng đồng chí tiếp tục được Trung ương tín nhiệm chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. Để có buổi lễ thành công hôm nay là cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, thưa đồng chí?

- Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng: Trong thời gian qua, Thái Nguyên và Bắc Kạn đã chủ động, tích cực và là những đơn vị đi đầu trong cả nước sớm hoàn thiện, trình đề án hợp nhất tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; hoàn thành việc xây dựng, trình phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt.

Trung ương đánh giá cao và biểu dương tinh thần chủ động, quyết tâm chính trị, nghiêm túc, khẩn trương, nỗ lực vượt bậc của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ 2 tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng, nhiều nội dung vượt yêu cầu đề ra.

Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng

Việc sáp nhập 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm mở rộng không gian phát triển, khơi thông nguồn lực, gắn kết chặt chẽ giữa trung tâm công nghiệp - đô thị năng động Thái Nguyên với tiềm năng sinh thái, văn hóa đặc sắc của Bắc Kạn.

Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng

- Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn song 2 địa phương đã giải quyết được rất nhiều nội dung quan trọng. Vậy động lực nào đã tạo nên thành quả đó?

- Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Việt Hùng: Bắc Kạn và Thái Nguyên là 2 tỉnh có bề dày lịch sử, có chung quá trình hình thành, phát triển (tách ra từ tỉnh Bắc Thái cũ), có mối liên hệ chặt chẽ về địa lý, tương đồng về truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán.

Việc sáp nhập 2 tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm mở rộng không gian phát triển, khơi thông nguồn lực, gắn kết chặt chẽ giữa trung tâm công nghiệp - đô thị năng động Thái Nguyên với tiềm năng sinh thái, văn hóa đặc sắc của Bắc Kạn.

Hợp nhất không đơn thuần là việc gộp lại về mặt địa giới hành chính hay rút gọn bộ máy mà là sự hội tụ của ý chí, tình cảm, niềm tin và khát vọng phát triển của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hai tỉnh; là bước khởi đầu cho một mô hình phát triển mới, gộp lại để tạo sức mạnh cộng hưởng, thiết kế không gian phát triển mới, tối ưu nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Sự hợp nhất sẽ phát huy tối đa tiềm năng, bổ trợ, bù đắp và cộng hưởng lợi thế lẫn nhau; phân bổ nguồn lực hợp lý hơn để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo ra sự liên kết vùng và giao thông, tạo nên một cấu trúc kinh tế đa dạng, linh hoạt và bền vững hơn. Cùng với đó, việc sắp xếp tinh gọn lại tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Từ đó, tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, hấp dẫn hơn, thu hút các doanh nghiệp lớn, các dự án trọng điểm, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Sau hợp nhất, Thái Nguyên sẽ có một bộ máy chính quyền gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Sẵn sàng vươn mình

PV: Với mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, du lịch sinh thái đặc sắc và là cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực phía Bắc, bước vào một giai đoạn phát triển mới, đứng trước nhiều thời cơ và thách thức, tỉnh Thái Nguyên xác định chiến lược phát triển sau hợp nhất tập trung vào các định hướng như thế nào?

- Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng: Tỉnh Thái Nguyên xác định 5 định hướng lớn trong thời gian tới. Một là, phát triển công nghiệp xanh, công nghệ cao, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, điện tử, phần mềm, vật liệu mới, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng phát biểu tại Lễ công bố
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng phát biểu tại lễ công bố chính quyền địa phương 2 cấp

Hai là, phát triển du lịch bền vững kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp, khai thác tối đa tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử của cả hai vùng đất, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, hấp dẫn, thu hút nhiều đối tượng du khách gắn kết với đời sống của người dân địa phương.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục đầu tư vào giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Bốn là, phát triển nông nghiệp thông minh, hiệu quả cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm đặc sản có giá trị cao, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng riêng có của tỉnh Thái Nguyên.

Thứ năm, là bảo vệ môi trường và phát triển bền vững - đây là kim chỉ nam cho mọi hoạt động phát triển.

PV: Vậy trước mắt, Thái Nguyên tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể nào, thưa đồng chí?

Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng: Trong quá trình nhập tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mang lại rất nhiều cơ hội, nhưng bước đầu cũng không tránh khỏi một số thách thức như thiếu hạ tầng kết nối; vấn đề về bảo tồn văn hóa, di sản; phát triển kinh tế không đồng đều, mất cân bằng có thể xảy ra tình trạng "vùng trũng" ở tỉnh Bắc Kạn. Vì vậy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên mới cần tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng, đổi mới tư duy, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, biến thách thức thành cơ hội, khẩn trương, quyết liệt triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, đối với các đồng chí cán bộ, lãnh đạo được phân công, bổ nhiệm cần phát huy tinh thần, trách nhiệm, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần cống hiến, đoàn kết, công tâm, năng động, chủ động thích ứng với yêu cầu mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; nhanh chóng bắt nhịp công việc.

Hai là, ngay trong ngày mai (1/7) tất cả các công việc theo thẩm quyền của 2 cấp (tỉnh, xã) phải được thực hiện thông suốt, không để chậm trễ, không để sót việc, tinh thần là để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, đồng thời giữ gìn hình ảnh, tác phong của người cán bộ "từ phục vụ hành chính sang phục vụ Nhân dân". Đối với những nơi cấp xã thiếu cán bộ chuyên môn, cấp tỉnh phải bố trí, tăng cường kịp thời, đầy đủ, hỗ trợ, giúp đỡ bảo đảm công việc thông suốt.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định chỉ định đối với chức danh Bí thư và các Phó Bí thư tỉnh Thái Nguyên
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định chỉ định
đối với chức danh Bí thư và các Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên

Ba là, thời gian tới, khối lượng công việc rất lớn, chính quyền phải bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương (Chỉ thị số 45, Nghị quyết số 57, Nghị quyết số 66, Nghị quyết số 68, Kết luận số 123) và thực tiễn địa phương để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hành động kịp thời, cụ thể. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình, tiến độ triển khai thực hiện để đạt kết quả, đưa các chủ trương, định hướng chiến lược lớn và mới của Trung ương vào thực tiễn.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn; kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2026 - 2030... Đồng thời, tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Năm là, tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh mới, phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh khi 2 tỉnh được hợp nhất, để tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Cụ thể, phải thực hiện ngay việc rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của việc mở rộng không gian phát triển sau khi sáp nhập tỉnh.

Chủ động cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính nhằm phát huy tối đa tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Hình thành các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, từng bước nâng cấp công nghệ, tiêu chuẩn và năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh đa dạng hóa cơ cấu kinh tế trên cơ sở kết hợp giữa nền tảng công nghiệp vững chắc của Thái Nguyên và tiềm năng nông nghiệp, tài nguyên, du lịch của Bắc Kạn; phát triển du lịch theo hướng tạo thành tuyến du lịch sinh thái - lịch sử hấp dẫn như Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, hồ Núi Cốc, Không gian văn hóa trà Tân Cương, An toàn khu Định Hóa tại Thái Nguyên... có thể kết hợp với các điểm du lịch của Bắc Kạn: Hồ Ba Bể, động Nàng Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ…; phát huy lợi thế phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp tại Thái Nguyên sẽ tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ lao động của tỉnh Bắc Kạn về làm việc..., nâng cao thu nhập người dân.

Thúc đẩy phát triển các mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh, sinh thái, thu hút sản xuất công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, sản xuất tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; khai thác hiệu quả vị trí trong vùng Thủ đô, gắn với tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là các hạ tầng giao thông kết nối huyết mạch như Hà Nội - Thái Nguyên; Thái Nguyên - Lạng Sơn; Bắc Kạn - Cao Bằng...

Sáu là, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng các dân tộc, biến văn hóa thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế; chú trọng quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Bảy là, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, chăm lo vật chất, tinh thần của Nhân dân; thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bí thư về cuộc trao đổi!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng: Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO