Ủy ban Về các vấn đề xã hội họp mở rộng

- Thứ Hai, 06/07/2020, 18:43 - Chia sẻ
Ngày 6.7, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đã chủ trì phiên họp mở rộng, thẩm tra dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.

Tờ trình về việc ban hành Nghị định, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, nêu rõ về tình hình triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô khi hướng tới người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm đơn giản và dễ hiểu. Tại Việt Nam, việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho người có thu nhập thấp được triển khai bởi cả doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu  

Về bảo hiểm vi mô do các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã có quy định cụ thể về 7 nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, 10 nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, 3 nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và một số sản phẩm bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, không có quy định về sản phẩm hay nghiệp vụ bảo hiểm vi mô và cũng chưa có quy định riêng đối với tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô, các doanh nghiệp khi triển khai bảo hiểm cho người có thu nhập thấp vẫn phải thực hiện các yêu cầu về vốn, chi phí phân phối đối với các sản phẩm thương mại thông thường. Từ đó, việc triển khai trong thời gian qua không hiệu quả.

Về bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp triển khai, theo Quyết định số 2195/QĐ-TTg ngày 6.12.2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Phê duyệt đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020, thời gian qua Bộ Tài chính triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô đối với Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng - CFRC (trực thuộc Trung ương Hội khuyến học Việt Nam) và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Cũng theo Tờ trình, việc triển khai bảo hiểm vi mô của CFRC tiềm ẩn rủi ro về tính bền vững do năng lực tài chính có hạn và khó khăn trong việc mở rộng hoạt động. Còn Quỹ bảo hiểm vi mô của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tiếp tục vận hành trong thời gian tới với quy mô lớn và bảo đảm tính bền vững, thì cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống vận hành, tài chính bao gồm các chính sách, quy trình quản lý dự phòng bảo hiểm, xây dựng kế hoạch kinh doanh và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn kỹ thuật.

Các đại biểu cho rằng, về đối tượng và mục tiêu bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội đều thiết thực và có vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, tính khả thi của việc ban hành Nghị định này chưa cao, bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm không bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội triển khai bảo hiểm vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận và cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định về bảo hiểm vi mô. Về lâu dài, đối với bảo hiểm vi mô, cần có văn bản có tính pháp lý cao điều chỉnh, vì vậy, cần có định hướng tiếp tục thí điểm để Chính phủ tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị-xã hội  

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Nên tiếp tục cho làm thí điểm, bởi mặc dù đang làm tốt bảo hiểm vi mô tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhưng nhỡ xảy ra điều gì và do mặt pháp lý còn non sẽ dẫn tới nhiều vấn đề không tốt”.

Toàn cảnh phiên họp  

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ việc chưa ban hành Nghị định, mà tiếp tục thí điểm với tinh thần cẩn trọng, có sự kiểm tra, giám sát và hướng dẫn từ Chính phủ. Chủ nhiệm UB Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét để đưa quy định về bảo hiểm vi mô phi lợi nhuận vào Luật Kinh doanh bảo hiểm dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ Hai và dự kiến sẽ thông qua vào Kỳ họp thứ Ba (năm 2022).

Hồ Long