Tại các cuộc làm việc, đại diện các Bộ đã đã báo cáo thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về quảng cáo; làm rõ công tác phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông với các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; quản lý nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động quảng cáo...
Từ thực tiễn quản lý nhà nước hoạt động quảng cáo theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đại diện các Bộ cũng góp ý về một số nội dung liên quan trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, làm rõ khái niệm quảng cáo; quy trình, thủ tục cấp phép quảng cáo ngoài trời hay một số sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt…
Đặc biệt, đại diện các Bộ phản ánh, khó khăn hiện nay là sự xuất hiện của quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, quảng cáo trực tuyến, quảng cáo qua thiết bị di động, tạo điều kiện cho một số tổ chức, cá nhân lợi dụng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng. Đây là lĩnh vực mới, phức tạp, chưa được quy định trong Luật Quảng cáo hiện hành. Hiện chưa có phương thức giám sát, biện pháp quản lý, kiểm soát hoạt động quảng cáo này; khó xác định hành vi và chủ thể vi phạm…
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được đánh giá là phức tạp, nhất là với quảng cáo trên mạng - nội dung cốt lõi trong sửa đổi Luật Quảng cáo lần này. Vì thế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng cho rằng, những thông tin về thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về quảng cáo sẽ là cơ sở quan trọng cho quá trình thẩm tra và góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý để lĩnh vực quảng cáo phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.