Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh; đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Thành đoàn Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng (trụ sở tại số 49 Thế Lữ, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), lãnh đạo Trung tâm cho biết, tháng 5.2021, Trung tâm được được thành lập với nhiệm vụ thực hiện việc truyền thông, phát triển thị trường khoa học công nghệ, đặc biệt là hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng nhiều hình thức như tổ chức các hội thảo quốc tế đầu tư mạo hiểm và thiên thần; kết nối các quỹ đầu tư với doanh nghiệp khởi nghiệp; tổ chức ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng Nguyễn Viết Toàn đã chia sẻ với Đoàn khảo sát về một số khó khăn trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố. Trong đó có vấn đề nguồn vốn cho các doanh nghiệp; việc thu hút vốn đầu tư cá nhân; việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm nhà nước. Hiện một số doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng cũng đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ Trung tâm. Tuy nhiên, quỹ đầu tư mạo hiểm do nhà nước thành lập, quản lý thì chưa có do gặp phải một số vướng mắc về quy định pháp luật.
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng cũng nhìn nhận, TP. Đà Nẵng cơ bản đã phát triển đầy đủ các yếu tố hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng nhìn chung đang ở phạm vi thành phố, tập trung chủ yếu tại các trường đại học. Để các ý tưởng được đi ra ngoài, phải cần có các tập đoàn lớn dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp này.
Chiều cùng ngày, Đoàn cũng đã làm việc với Công ty Cổ phần Công nghệ Tekup (25 Xuân Tâm, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng), là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm. Đoàn khảo sát đã ghi nhận sự vượt khó của đơn vị trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mặc dù đang nhận gia công, sản xuất nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài nhưng vốn điều lệ của công ty chỉ có 2 tỷ đồng và rất khó gọi vốn.
Lãnh đạo công ty Cổ phần công nghệ Tekup thừa nhận, khi khởi nghiệp thì hầu như đều lấy tiền túi ra để làm nên vốn điều lệ của công ty ban đầu cũng có hạn và chủ yếu lấy từ việc thế chấp tài sản cá nhân của một số người trong công ty. Do đó, doanh nghiệp mong muốn nhà nước có cơ chế thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ bày tỏ vui mừng trước những nỗ lực đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp. Đồng thời, ghi nhận những vướng mắc, tồn tại của các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay, đó là: thiếu vốn, thiếu cơ chế để tạo việc làm cho người lao động, thiếu các dự án lớn để có thể hợp tác, gia công…
Ngoài ra, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng còn đối mặt với những khó khăn khác như: khó đấu thầu các dự án dịch vụ công nhà nước, chưa có cơ chế thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước, chưa có các tập đoàn lớn dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp…
Đối với những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được nêu ra tại cuộc làm việc sẽ được Đoàn ghi nhận, tiếp thu và nghiên cứu đưa vào báo cáo khảo sát.