Ủy ban Tư pháp tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 16

- Thứ Ba, 22/12/2020, 17:09 - Chia sẻ
Sáng 22.12, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 16, thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân và Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về công tác của ngành Tòa án nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV (2016-2020).

Hoàn thành vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra

Tại phiên họp lần này, Ủy ban Tư pháp nghe Báo cáo và ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Tư pháp về tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Theo đó, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ khởi tố mới tăng trung bình 3,1% mỗi năm; tội phạm trật tự xã hội khởi tố mới giảm, tuy nhiên tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu băng nhóm diễn biến phức tạp, phát hiện nhiều vụ án đan xen giữa tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế; tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, phổ biến nhất là hành vi lừa đảo, tổ chức đánh bạc; tội phạm về ma túy tăng nhiều, tính chất, quy mô ngày càng lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp  

Về kết quả nổi bật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Báo cáo tổng kết nêu rõ, ngành kiểm sát triển khai nhiều biện pháp, nỗ lực thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát 100% số vụ việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh; trực tiếp kiểm sát gần 4.900 cuộc tại Cơ quan điều tra… Kết quả, qua kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 3.115 vụ án, tăng 64,7%; Viện kiểm sát trực tiếp quyết định khởi tố 148 vụ án, tăng 7,2%; hủy 322 quyết định không khởi tố vụ án và 96 quyết định khởi tố vụ án, tăng 17%… Qua đó, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Phó Viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV

Kết quả bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế sai sót và việc lạm dụng tạm giam. Chất lượng công tác điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng, oan sai giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ bắt, tạm giữ, chuyển xử lý hình sự đạt 98%; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng giảm (tỷ lệ Viện kiểm sát trả hồ sơ giảm 0,05%, Tòa án trả hồ sơ giảm 1,22%); tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,9%, vượt 9,99%; tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,9% vượt 4,9% chỉ tiêu Nghị quyết 96/2019/QH14 của Quốc hội giao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV

Các thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với nội dung Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp, sự gia tăng mạnh của một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Cụ thể, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh qua các năm đều đạt 99,9% và vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Số trường hợp đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm đã giảm qua các năm.

Một số ý kiến nêu rõ, việc phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, vẫn còn để xảy ra nhiều trường hợp không tạm giam sau đó bị can bỏ trốn hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng dẫn tới bị can bỏ trốn, phải ra lệnh truy nã...

Chất lượng xét xử được bảo đảm, có nhiều tiến bộ

Theo Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về công tác của các tòa án, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, các Tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc). Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội đề ra.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du trình bày Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về công tác của ngành Tòa án nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV   
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về công tác của ngành Tòa án nhân dân nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV

Về giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, các Tòa án đã thụ lý 1.894.472 vụ việc; đã giải quyết được 1.842.684 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 523.966 vụ việc; giải quyết tăng 496.754 vụ việc). Các Tòa án đã tập trung làm tốt công tác hướng dẫn đương sự cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; tăng cường phối hợp các cơ quan hữu quan; thực hiện tốt công tác ủy thác tư pháp…

Đại biểu phát biểu tại Phiên họp  

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót do số lượng các loại vụ việc Tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp (tăng 624.551 vụ việc so với nhiệm kỳ trước). Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm rất lớn, trong khi số lượng cán bộ, Thẩm phán của Tòa án Nhân dân cấp cao chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chế độ chính sách đối với cán bộ, Thẩm phán còn chưa bảo đảm để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Tòa án…

Tán thành với những kết quả cũng như hạn chế nêu trong báo cáo, các thành viên Ủy ban Tư pháp nêu rõ, trong bối cảnh số lượng các vụ việc Tòa án đã thụ lý, giải quyết là rất lớn và tiếp tục có xu hướng gia tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, nhưng Tòa án nhân dân các cấp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tăng qua từng năm và khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế trong giải quyết, xét xử, cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Về công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, tỷ lệ giải quyết án đạt 97,3%, vượt 19,3% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 96/2019/QH14. Đã cơ bản khắc phục được việc để án quá thời hạn do nguyên nhân chủ quan. Hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định.

Toàn cảnh Phiên họp  

Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án kinh doanh thương mại chậm được giải quyết. Một số vụ án còn vi phạm trong việc thụ lý đơn kiện; thời hạn hoãn phiên tòa, thời hạn gửi văn bản tố tụng cho Viện kiểm sát và người tham gia tố tụng; còn một số trường hợp áp dụng căn cứ tạm đình chỉ chưa đúng quy định của pháp luật.

Đánh giá cao Tòa án Nhân dân tối cao đã kịp thời chỉ đạo Tòa án có thẩm quyền nghiên cứu kịp thời, hủy bản án không đúng pháp luật để tiến hành xét xử lại vụ án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, song nhiều ý kiến cho rằng, Tòa án Nhân dân tối cao cần tổng hợp các sai sót để rút kinh nghiệm chung trong giải quyết các vụ án có tính chất tương tự.

Hồ Long