Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung uơng Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; các thành viên Ủy ban Tư pháp; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan.
Tại phiên họp này, Ủy ban Tư pháp tiến hành thẩm tra, cho ý kiến đối với: Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2024; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về công tác của các tòa án năm 2024; Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác của ngành năm 2024; dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Tư pháp về “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với các Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; đồng thời đánh giá cao và đồng tình với các báo cáo một số ý kiến nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về những nội dung này.
Các ý kiến nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 đã đánh giá được tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân của công tác này. Đồng thời, đưa ra dự báo về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2025, có những kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng công tác; triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội trong hoạt động phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Báo cáo cũng đã thống kê được cụ thể nhiều loại tội phạm, kết quả thực hiện những kiến nghị của Ủy ban Tư pháp đã nêu ra trong năm 2023, trong đó có báo cáo về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa đánh giá, phân tích cụ thể được thực trạng tình hình vi phạm trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước và công tác xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực của các bộ, ngành; một số nội dung báo cáo còn chưa đầy đủ theo yêu cầu đề cương. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể làm cơ sở đề ra các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa các mặt công tác này trong thời gian tới.
Đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, các đại biểu cơ bản nhất trí với những đánh giá về tồn tại, hạn chế đã nêu. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng. Trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả.
Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng, các thành viên Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành hữu quan tiếp tục tuyên truyền thông tin về phương thức, thủ đoạn phạm tội để nâng cao cảnh giác của người dân; đưa ra những giải pháp cụ thể, bồi dưỡng kiến thức, tăng cường đội ngũ cán bộ, trang bị kịp thời các phương tiện nghiệp vụ đối với lực lượng công an cấp tỉnh, cấp huyện để kịp thời phát hiện, xử lý loại tội phạm này.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, với tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiêm túc, các thành viên Ủy ban Tư pháp đã phát biểu những ý kiến rất sâu sắc, tâm huyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp hoàn thiện các Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau khi có báo cáo cả năm của các cơ quan thuộc khối tư pháp, Thường trực Ủy ban Tư pháp tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới.