Cùng dự hội thảo có: các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi, Nguyễn Thị Phú Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai; đại diện Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và Đoàn ĐBQH một số tỉnh phía Nam.
Tham dự còn có đại diện các Bộ Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Viện nghiên cứu, các trường đại học, các đơn vị tư vấn giá đất, chuyên gia, nhà khoa học.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng với tầm ảnh hưởng rộng lớn. Do đó, ngay từ rất sớm, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, tập trung chuẩn bị công tác lấy ý kiến về dự thảo Luật. Các địa phương đã triển khai nghiêm túc việc lấy ý kiến nhân dân bám sát tinh thần, yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ với nhiều hình thức phong phú và quan trọng.
Gợi mở các nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa đầy đủ, khoa học, khả thi các quy định của Nghị quyết số 18-NQ/TW liên quan tới các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất. Đây là nội dung rất quan trọng và cũng rất khó của dự thảo Luật.
Tại hội thảo, các đại biểu tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Các đại biểu tập trung thảo luận về quy định liên quan đến các khoản thu tài chính về đất đai, các khoản thu từ dịch vụ công về đất đai, căn cứ thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… Đồng thời cho ý kiến về nguyên tắc, phương pháp định giá đất; kỳ ban hành giá đất, các trường hợp áp dụng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quy định của hội đồng thẩm định giá đất…
Một số ý kiến băn khoăn trong thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập mà nguyên nhân chủ yếu do việc xác định giá đất cụ thể thấp hơn so với giá thị trường gây thất thu ngân sách Nhà nước và dẫn đến nhiều tiêu cực, tham nhũng. Nguyên nhân việc xác định giá đất và phương pháp định giá đất chưa phù hợp sát với giá trên thị trường.
Các đại biểu cũng nêu một số ý kiến cụ thể về giải thích từ ngữ; đề nghị làm rõ các quy định liên quan đến vai trò của Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong quản lý sử dụng đất; định giá đất, tài sản, vai trò của chính quyền cấp huyện, xã trong thu hồi và định giá đất hỗ trợ bồi thường; giải quyết một số vấn đề còn chống chéo giữa Luật Đấu thầu, Luật Giá và Luật Đất đai; thẩm quyền quyết định đấu giá, đấu thầu, thẩm quyền về thu hồi đất, về chuyển nhượng cho thuê, thế chấp; thời điểm ban hành bảng giá đất.
Một số ý kiến đề nghị mở rộng áp dụng biện pháp đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình định giá đất ở địa phương một cách thường xuyên, chuyên nghiệp, thanh tra đột xuất trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm.
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đánh giá cao các góp ý tâm huyết của các đại biểu với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, đi vào nội dung trực tiếp của dự thảo Luật, xuất phát từ thực tiễn của khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Cơ quan soạn thảo và Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã thu nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể. Bên cạnh các ý kiến mang tính nguyên tắc, quan điểm, định hướng, đã có nhiều ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều khoản với căn cứ khoa học và thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cảm ơn đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh phía Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan ban ngành đã tham dự hội thảo; mong nhận được sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học trong thời gian tới để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm tính khả thi để trình Quốc hội.