Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Công an...
Trong phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban tiến hành thẩm tra dự án Luật Dữ liệu; Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng thời, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2024; phương hướng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và dự toán ngân sách quốc phòng, an ninh năm 2025.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy năm 2024, phương hướng thực hiện năm 2025.
Thường trực Ủy ban cũng báo cáo, xin ý kiến thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh kết quả hoạt động từ Kỳ họp thứ Sáu đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và tình hình quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động năm 2024 của Ủy ban.
Nêu rõ, đây là các nội dung sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 38 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, Chủ nhiệm UB Lê Tấn Tới đề nghị, với tinh thần trách nhiệm, các đại biểu tham gia ý kiến thẳng thắn để Ủy ban tổng hợp, hoàn thiện các báo cáo, bảo đảm chất lượng.
Trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành thẩm tra dự án Luật Dữ liệu.
Tờ trình dự án Luật Dữ liệu nêu rõ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định có tính định hướng quan trọng về phát triển dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin trong chuyển đổi số ở nước ta.
Quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: một số bộ, ngành không có hoặc có nhưng chưa đầy đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho các công tác nghiệp vụ. Nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung…
Trong khi đó, qua rà soát, tất cả các luật đều không quy định cụ thể, thống nhất về việc xử lý, quản trị dữ liệu; chưa quy định về nền tảng phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý dữ liệu… Do đó, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết, cấp thiết.
Gồm 7 Chương và 67 Điều, dự thảo Luật Dữ liệu quy định về nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu; nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu; người làm công tác dữ liệu trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; hợp tác quốc tế về dữ liệu; các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia…
Đa số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có những dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để xác định nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất phương án xử lý, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Nhiều ý kiến tán thành quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia, bởi khi được thông qua và triển khai hoạt động, đây sẽ là tiền đề thúc đẩy quá trình phát triển và đẩy mạnh khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm Chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hội nhập với nền kinh tế số của thế giới.
Dẫu vậy, cũng có ý kiến đề nghị, làm rõ quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia trong dự thảo Luật nhằm điều chỉnh về tổ chức bộ máy hay điều chỉnh về hệ thống kỹ thuật…
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng đề nghị, Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới đây.
Tiếp đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025.