Tham dự phiên họp có: Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy; các thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan.
Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra: đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; bổ sung dự án Luật Tình trạng khẩn cấp và dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Đề nghị bổ sung 2 dự án Luật vào Chương trình năm 2025
Trình bày các Tờ trình về đề nghị bổ sung các dự án luật, dự thảo Nghị quyết vào Chương trình năm 2024, 2025, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Nghị quyết thí điểm) nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và Hiến pháp năm 2013.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung dự thảo Nghị quyết thí điểm vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết thí điểm tại Kỳ họp thứ Tám, theo quy trình một kỳ họp.
Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và dự án Luật Tình trạng khẩn cấp vào Chương trình năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười (tháng 10.2025).
Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành 2 Luật và Nghị quyết thí điểm với các lý do được nêu trong các Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ cơ bản bảo đảm đầy đủ, tuy nhiên, một số nội dung cần được rà soát, hoàn thiện thêm, nhất là đối với hồ sơ dự thảo Nghị quyết thí điểm.
Về đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết thí điểm, các ý kiến nhận thấy có sự trùng lặp giữa các nhóm đối tượng theo quy định của Luật Đất đai, do đó, đề nghị rà soát để quy định phù hợp, tránh chồng chéo.
Một số ý kiến đề nghị xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, phân định với phạm vi điều chỉnh của các luật khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, vì hiện nay một số luật đã có quy định về tình trạng khẩn cấp. Đối với dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đề nghị làm rõ quy định về các hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng, ngành có dẫn đến việc thành lập tổ chức mới hay không, để bảo đảm các yêu cầu tại các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo
Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, các cơ quan hành chính đã tiếp 363.245 lượt người về 290.497 vụ việc; Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp 453 lượt người về 392 vụ việc; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã tiếp 7 lượt người; Kiểm toán Nhà nước không có công dân đến khiếu nại tố cáo.
Các cơ quan hành chính đã xử lý 471.229/480.233 đơn tiếp nhận, đạt 98,1%; Tòa án nhân dân các cấp xử lý 165/165 đơn, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã xử lý 105/117 đơn, Kiểm toán Nhà nước đã xử lý 90/90 đơn khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền.
Các cơ quan hành chính đã giải quyết 27.147 vụ việc; Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 73/77 vụ việc; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã giải quyết 6/6 vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền.
Thẩm tra nội dung này, các thành viên Ủy ban Pháp luật nêu rõ, qua Báo cáo cho thấy công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2024 tiếp tục có nhiều tiến bộ, đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao trách nhiệm, chất lượng thực thi công vụ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, hoàn thiện pháp luật, phát huy hiệu quả cơ chế giám sát của Nhân dân.
Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm giải quyết và thông báo kịp thời kết quả giải quyết theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đánh giá cụ thể mối quan hệ, sự tác động tích cực của việc tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đến kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.