Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra các tờ trình và đề án của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 21 tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Quảng Bình, Quảng Nam, Nghệ An, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Yên Bái.
Trình bày báo cáo tóm tắt về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nêu rõ, 21 tỉnh, thành phố đề nghị thực hiện sắp xếp và thành lập đối với 18/252 đơn vị hành chính cấp huyện và 487/3.916 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, có 7 tỉnh, thành phố (gồm: Nghệ An, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu) thực hiện sắp xếp, thành lập đối với cả đơn vị hành chính cấp huyện (18 đơn vị) và đơn vị hành chính cấp xã (287 đơn vị). 14 tỉnh, thành phố còn lại (gồm: Hải Dương, Lạng Sơn, Bình Thuận, Hưng Yên, Bến Tre, Thái Nguyên, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bình Định, Yên Bái, Bắc Ninh, Cà Mau, Long An, Kiên Giang) chỉ thực hiện sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp xã (200 đơn vị).
21 tỉnh, thành phố nêu trên đã xây dựng các phương án thực hiện sắp xếp, thành lập 18/252 đơn vị hành chính cấp huyện và 487/3.916 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành mới 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 254 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 233 đơn vị hành chính cấp xã.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật đánh giá cao các Đề án của Chính phủ được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, cơ bản bảo đảm chất lượng, đầy đủ thành phần hồ sơ, tài liệu và nội dung theo quy định. Các ý kiến cũng cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, phương án giải quyết trụ sở, tài sản công tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.
Một số ý kiến cho rằng, đa phần trong số 114 phường và thị trấn hình thành sau sắp xếp không phải đánh giá tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 35 và Nghị quyết số 50. Các đơn vị hành chính có yêu cầu phải đánh giá tiêu chuẩn này thì cơ bản đều bảo đảm đạt. Hiện còn 1 trường hợp của tỉnh Cà Mau và 4 trường hợp của tỉnh Thanh Hóa là chưa có thông tin về tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn và của phường hình thành sau sắp xếp. Do đó, đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cung cấp bổ sung nội dung này.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ hơn một số nội dung khác như về tính hợp lý của phương án điều chỉnh đơn vị hành chính, cách thức thống kê số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện sau sắp xếp, tính thống nhất giữa các nội dung trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ…
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Bộ Nội vụ khẩn trương có báo cáo giải trình Ủy ban Pháp luật, trong đó tập trung làm rõ 3 nội dung. Thứ nhất, đối với các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì cần làm rõ lý do. Thứ hai, cung cấp thêm thông tin về số đơn vị hành chính số lượng đơn vị hành chính cấp xã chưa sắp xếp. Thứ ba, điều kiện, tiêu chuẩn để đánh giá, phân loại đối với đơn vị hành chính đô thị trong trường hợp thành lập thị trấn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với 13 địa phương còn lại sớm hoàn thành Đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 để trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.