Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 34

- Thứ Ba, 16/03/2021, 12:10 - Chia sẻ
Ngày 16.3, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 34, thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021; cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026; thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân trình bày tại phiên họp, với phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật và quy chế làm việc. Chính phủ luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, năng động, đổi mới, sáng tạo, kiên định, quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp  

Về quản lý, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ, chủ động biến thách thức thành cơ hội, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp; chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, chủ động kiến thiết các cơ chế, chính sách, pháp luật khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; vừa nhạy bén, quyết liệt chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề phát sinh, vừa tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, căn cơ trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính, phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân trình bày Báo cáo của Chính phủ  

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, các thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, Chính phủ đã tích cực, chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; quyết liệt thúc đẩy hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của Nhân dân; thích ứng và ứng phó kịp thời với tình hình, nhất là những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước; đồng thời chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật  

Các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung, làm rõ một số vấn đề, trong đó có bổ sung về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng việc xin bổ sung dự án luật, nghị quyết còn nhiều. Trong khi đó, nhiều dự án có trong chương trình nhưng chưa được chuẩn bị kịp, phải xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi Chương trình. Liên quan đến công tác thi hành pháp luật, nhiều ý kiến nhấn mạnh, cùng với việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thì còn có tình trạng nhận thức của cơ quan thực thi chưa đúng với tinh thần của luật khiến việc thi hành pháp luật bị "tắc" ở cơ sở.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật mới cần sớm xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó xác định nội dung, lộ trình thực hiện từng công việc, yêu cầu về kết quả cần hoàn thành, định kỳ gửi báo cáo về tình hình và tiến độ chuẩn bị dự án. Việc thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý chủ động thẩm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo, thẳng thắn trao đổi về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Chính phủ cần bố trí thời gian thỏa đáng để xem xét các dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 2 tháng, nhằm bảo đảm thời gian để các cơ quan soạn thảo hoàn thiện, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, đánh giá bảo đảm chất lượng các dự án trình Quốc hội. 

Toàn cảnh phiên họp  

Tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật cũng thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai; Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình, điều chỉnh địa giới hành chính các xã Thắng Quân, Lang Quán, Tứ Quận để thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; Tờ trình của Chính phủ về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy thuộc Thành phố Hà Nội.

Hồ Long