Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt và Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự có Trưởng Đại diện Viện KAS Việt Nam Florian Constantin Feyerabend; Thường trực Ủy ban Kinh tế; đại diện Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; đại diện của 20 tổ chức tín dụng….
Theo Báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ngay sau Kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các Bộ, ngành liên quan, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm; các cuộc làm việc với hiệp hội, tổ chức tín dụng… để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, đến nay, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 16 chương, 208 điều. So với dự thảo Luật được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Năm, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hiện nay đã tăng thêm 3 chương, 13 điều; sửa đổi, bổ sung 160 điều, trong đó có 90 điều sửa đổi về nội dung, 61 điều sửa về kỹ thuật văn bản để nội dung rõ ràng, mạch lạc hơn.
Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một đạo luật khó, có tính kỹ thuật cao, có tác động lớn đến nền kinh tế và từng tổ chức, cá nhân. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế xác định, sẽ tiếp thu, chỉnh lý kỹ lưỡng để bảo đảm khi Luật được thông qua có sức sống lâu dài, tạo cơ sở pháp lý ổn định để các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, có điều kiện phát triển thuận lợi.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao tinh thần cầu thị của Thường trực Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đa số các ý kiến góp ý có đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn, có tính khả thi cao của các hiệp hội, tổ chức tín dụng, chuyên gia đều được Thường trực Ủy ban Kinh tế và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, đưa vào dự thảo Luật lần này.
Bên cạnh đó, tại Hội thảo, các đại biểu đã tiếp tục cho ý kiến về nhiều vấn đề, gồm: kết cấu của dự thảo Luật; các quy định liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng (người có liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần trong các tổ chức tín dụng, giới hạn cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng); các quy định liên quan đến quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…
Trong đó, nhiều ý kiến lưu ý, trong thực tế thực hiện những hoạt động chuyên môn, các tổ chức tín dụng có nhu cầu trao đổi thông tin khách hàng (thông tin lịch sử tín dụng, thông tin các khoản cấp tín dụng, danh sách cảnh báo…) để phòng ngừa rủi ro. Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành quy định việc trao đổi thông tin này không cần có sự chấp thuận của khách hàng. Tuy nhiên, với quy định tại Nghị định 13 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, thì hoạt động này cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu và được người tiêu dùng đồng ý. Do vậy, nếu không làm rõ tại dự thảo Luật về xử lý, cung cấp thông tin thì hoạt động trao đổi thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng sẽ gặp vướng mắc và rủi ro pháp lý/kinh doanh rất lớn cho hoạt động của tổ chức này.
Về vấn đề tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng, nhiều ý kiến đề nghị, cần cân nhắc điều chỉnh quy định tại Điều 41 dự thảo Luật là “Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm”. Bởi, quy định này không thống nhất với chính Điều 11 dự thảo Luật, chỉ giới hạn Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên là một trong những người là người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng thì phải cư trú tại Việt Nam. Các ý kiến này đề nghị, cần điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng tại Điều 41tương tự quy định như tại Điều 11 dự thảo Luật, để phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, cũng như tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao giữ chức danh quản lý của mình.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt ghi nhận, đánh giá cao góp ý của các chuyên gia, tổ chức tín dụng tại Hội thảo, cung cấp nhiều thông tin quan trọng cả về lý luận và thực tiễn cho quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. “Bên cạnh các góp ý trực tiếp tại Hội thảo này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đang nhận góp ý bằng văn bản của nhiều tổ chức tín dụng khác cho dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới nhất. Trong thời gian tới, mong muốn các tổ chức tín dụng tích cực cùng tham gia quá trình rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật, qua đó bảo đảm tính khả thi cao nhất cho từng điều khoản”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.