Tham dự cuộc làm việc có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông, Vận tải.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII đã thống nhất cao chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trên toàn tuyến, với tốc độ 350 km/giờ; đồng thời, giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp theo. Bộ Giao thông, Vận tải được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã rất tích cực, khẩn trương phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện hồ sơ dự án để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tám.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua, Ủy ban Kinh tế đã triển khai đúng theo quy trình, thủ tục thẩm tra hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; cũng như tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với đại diện UBND các tỉnh, thành phố có Dự án đi qua là TP. Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Báo cáo về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại diện Bộ Giao thông, Vận tải cho biết, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km, với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (TP. Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh). Dự án đi qua địa phận của 20 tỉnh, thành phố. Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến sẽ xây dựng tuyến mới đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục, xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách.
Đại diện Bộ Giao thông, Vận tải cũng báo cáo cụ thể về lý do, lợi ích và nhược điểm của hướng tuyến, vị trí ga đoạn đi qua các tỉnh: Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai. Do các địa phương cơ bản đã có văn bản thỏa thuận, thống nhất về hướng tuyến, vị trí ga, công trình trên tuyến, đại diện Bộ Giao thông, Vận tải cho biết, trong giai đoạn triển khai tiếp theo, trên cơ sở kết quả khảo sát chi tiết, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, cập nhật cho phù hợp.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu nhất trí cao việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam góp phần tăng cường kết nối vùng, miền, cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, góp phần giảm chi phí logistic… Việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao cũng được kỳ vọng sẽ đưa ngành đường sắt Việt Nam phát triển hơn, hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các đại biểu cũng kiến nghị nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với hướng tuyến thẳng nhất có thể, tránh các khu dân cư lớn, tiết kiệm kinh phí nhất, triển khai nhanh nhất có thể, sớm phục vụ phát triển đất nước. Cùng với đó, là một số cơ chế, chính sách đặc thù cho triển khai dự án về quy trình thủ tục, các chính sách đặc thù về đất đai, giải phóng mặt bằng, tái định cư, vật liệu xây dựng…
Đồng thời, đề nghị các địa phương có đề xuất cụ thể hơn, tính toán kỹ lưỡng hơn, quan tâm đặc biệt đến việc bố trí quỹ đất dành cho dự án; tính toán đến các kịch bản biến đổi khí hậu, nguy cơ sạt lở đất, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và các vấn đề liên quan khác để có cơ sở thực tiễn khi triển khai, tránh gây sự xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương, cũng như bảo đảm dự án khi triển khai được an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải Nguyễn Danh Huy đã giải trình, làm rõ các ý kiến của các đại biểu, cũng như của UBND TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia. Trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông, Vận tải và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, có ý kiến thẩm tra chính thức về nội dung này.
Trong đó, sẽ đánh giá cụ thể về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của dự án; một số cơ chế, chính sách đặc thù; vấn đề áp dụng và làm chủ công nghệ để hoàn thiện phương án đầu tư bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả.
Chủ trương đầu tư dự án sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám theo quy định.
Trước đó, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế cũng đến khảo sát thực tế tại vị trí dự kiến đặt nhà ga tại TP. Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), Đồng Nai (ga Long Thành) và Khánh Hòa (ga Diên Khánh).