Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh; đại diện Thường trực các Ủy ban Pháp luật, Xã hội, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tài chính – Ngân sách; lãnh đạo Bộ Giao thông, Vận tải, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước...
Phát triển mạng lưới đa trung tâm theo mô hình đa cực
Tờ trình về Quy hoạch Thủ đô xác định, đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; là trung tâm kinh tế tài chính lớn, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ…
Quy hoạch Thủ đô cũng đưa ra 5 quan điểm phát triển, 3 định hướng phát triển không gian và 3 kịch bản phát triển. Quy hoạch Thủ đô đặt mục tiêu, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%; GRDP bình quân/người (giá hiện hành) đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88 - 0,90; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống. Đến năm 2050, quy mô dân số thường trú tại Thủ đô Hà Nội khoảng 13 - 13,5 triệu người, tổng dân số (quy đôi cả khách vãng lai) khoảng 15,5-16 triệu người; GRDP bình quân đầu người khoảng 45.000 USD - 46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80 - 85%.
Theo Tờ tình về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, định hướng phát triển không gian của Thủ đô Hà Nội là phát triển mạng lưới đa trung tâm theo mô hình đa cực, gồm 5 vùng được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm (Vùng đô thị trung tâm; Vùng đô thị phía Đông; Vùng đô thị phía Bắc; Vùng đô thị phía Tây; Vùng đô thị phía Nam). Đồng thời, hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế để tạo động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng; dự trữ quỹ đất, không gian, hạ tầng ở phía Nam để nghiên cứu phát triển Cảng hàng không thứ 2 – Vùng Thủ đô Hà Nội…
Trong đó, khu vực nội đô thực hiện bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của khu vực phố cổ, các di sản văn hóa, di tích lịch sử… trở thành trung tâm văn hóa của Hà Nội; phân loại đô thị hiện hữu thành các khu vực giữ lại chỉnh trang, khu vực cải tạo, bổ sung hạ tầng kỹ thuật; khu vực chuyển đổi, tái thiết đô thị, các khu sản xuất chuyển đổi, khu nhà ở tự xây dựng không bảo đảm an toàn, không phù hợp với tiêu chí đô thị văn hiến, văn minh và hiện đại theo lộ trình phù hợp.
Cần phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia
Các đại biểu đánh giá Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được xây dựng công phu, khối lượng thông tin rất lớn, phức tạp… và đã bám sát các quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, tán thành với 5 quan điểm phát triển, 3 định hướng phát triển không gian, 3 kịch bản phát triển được Quy hoạch Thủ đô xác định.
Một số ý kiến đề nghị, cần làm rõ cơ sở của việc đề xuất xây dựng Cảng hàng không thứ 2 Hà Nội, có bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không?
Các định hướng không gian, mục tiêu phát triển tại Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cũng cần rà soát để bảo đảm sự phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt như quy hoạch bảo vệ môi trường (bãi xử lý rác thải, không sử dụng bãi rác Nam Sơn...); mạng lưới trường đại học; mạng lưới cơ sở văn hóa, thể dục thể thao...
Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường được Quy hoạch Thủ đô xác định, bảo đảm phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy lợi, Luật Khoa học và Công nghệ…, nhất là các quy định về xử lý rác thải được Luật Bảo vệ môi trường quy định. Làm rõ nguồn lực để thực hiện mục tiêu Quy hoạch Thủ đô (ước tính 8,8 - 9,5 triệu tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 3,1 - 3,26 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 5,69 - 6,25 triệu tỷ đồng) có khả thi không?
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã báo cáo, làm rõ nhiều nội dung được các đại biểu đưa ra.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá Quy hoạch Thủ đô, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được xây dựng rất công phu, bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần tiếp tục rà soát các quy hoạch cấp quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bổ sung thuyết minh cụ thể hơn với các phương án, định hướng phát triển, bảo đảm nội dung của Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cụ thể hóa đầy đủ, chính xác và phù hợp với các quy hoạch cấp cao hơn trong hệ thống quy hoạch; chú ý xử lý yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, du lịch…
Bổ sung, làm rõ mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu đánh giá mang tính định lượng để từ đó đề xuất các phương án phát triển khả thi nhằm hiện thực hóa mục tiêu tổng quát đã đề ra và có cơ sở để đánh giá quá trình triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch.
Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo cho ý kiến với các Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy.