Tham dự phiên họp có: Thường trực và các thành viên Ủy ban Kinh tế; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Tờ trình của Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo Tờ trình, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam thuộc dự án quan trọng quốc gia, theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công năm 2019, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. Trong đó nêu rõ, việc sớm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là rất cần thiết nhằm hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch về đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như nhiều quốc gia trên thế giới.
Về mục tiêu đầu tư, Tờ trình nêu, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ Tám, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2035.
Sơ bộ về phạm vi đầu tư, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự án có điểm đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại TP. Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm); tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km. Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.
Tờ trình của Chính phủ cho biết, trên cơ sở lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Về nguồn vốn, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5-5,7% GDP như hiện nay; khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1% GDP năm 2027 (khởi công dự án). Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.
Đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính của dự án
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức nghiên cứu, trình hồ sơ công phu, dày dặn với nhiều tài liệu để đại biểu tham khảo, nghiên cứu.
Cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư xây dựng dự án, một số đại biểu cũng đề nghị, cần làm rõ căn cứ lập dự án; đánh giá kỹ lượng hiệu quả kinh tế - xã hội, nhất là hiệu quả tài chính của dự án.
Có ý kiến đề nghị, cần có phương án, giải pháp để làm chủ công nghệ, nội địa hóa công nghệ xây dựng đường sắt tốc độ cao, tránh phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Với yêu cầu về lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, dự án còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính, rủi ro về tổ chức, thực hiện… chưa thể lường trước hết được. Đặt vấn đề này, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng hơn. Về nguyên tắc, cần chỉ ra được các rủi ro của dự án để có phương án quản trị rủi ro chủ động.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, cần tiếp tục rà soát, bổ sung quỹ đất để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; khắc phục tồn tại, hạn chế của hệ thống giao thông vận tải đường sắt Việt Nam...
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện nội dung Báo cáo thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tới.
+ Cũng tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.