Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghe giải trình về Thủy điện sông Tranh 2
Ngày 20.10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Phiên giải trình về Thủy điện sông Tranh 2 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, từ cuối năm 2011, tại công trình thủy điện sông Tranh đã xảy ra hiện tượng thấm nước trong các hành lang thu nước, từ đó thấm ngược ra hạ lưu đập. Từ tháng 2.2012 đến nay, tại khu vực Thủy điện sông Tranh 2 cũng xảy ra nhiều trận động đất và các đợt dư chấn mạnh, đặc biệt là có ngày xảy ra 15 trận động đất. Trước hiện tượng thấm nước ra hạ lưu đập, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khẩn trương yêu cầu các cơ quan chuyên môn khảo sát, xác định nguyên nhân, phương án và tổ chức thực hiện xử lý thấm đập. Kết quả khảo sát cho thấy, hiện tượng nước thấm qua khe nhiệt, chứ không phải thấm qua các khe nứt của đập. Nguyên nhân của hiện tượng này là do hệ thống các ống thu nước bố trí trong những hành lang thu nước của thân đập chưa đáp ứng được yêu cầu xả nước, đặc biệt là do tắc một số ống thu nước khiến nước bị ứ đọng, không thoát hết được về hố thu nước. Xác định được nguyên nhân của hiện tượng này, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 – công ty thành viên của EVN, đã xây dựng phương án xử lý thấm. Từ tháng 6.2012, công tác xử lý thấm được triển khai bởi Viện Thiết kế Hoa Đông – Trung Quốc (xử lý 10 khe nhiệt có lưu lượng thấm lớn) và Viện Khoa học, công nghệ xây dựng – Bộ Xây dựng (xử lý 20 khe nhiệt có lưu lượng thấm nhỏ). Sau khi xử lý thấm ở mực nước 144m, tổng lưu lượng nước thấm qua thân đập chỉ còn 3,23 lít/giây, giảm 89,4% so với tổng lưu lượng thấm trước khi xử lý.
Về mức độ an toàn của đập, báo cáo của Bộ Công thương chỉ rõ, kết quả khảo sát và quan trắc đã cho thấy đập vẫn hoạt động ổn định. Chất lượng bê tông, chất lượng thi công đập bảo đảm yêu cầu thiết kế. Theo đánh giá độc lập của hãng tư vấn Colenco của Thụy Sỹ, đập Thủy điện sông Tranh 2 đã được thiết kế phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành về đập bê tông đầm lăn; bảo đảm an toàn, ổn định chống lật. Các ứng suất đều nằm trong giới hạn cường độ đề ra trong tiêu chuẩn thiết kế; cường độ nén, kháng kéo của các mẫu lõi bê tông được khoan lấy mẫu đều đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế. Về khả năng xảy ra động đất do hồ chứa, báo cáo cũng khẳng định việc tích nước hồ chứa có khả năng gây ra động đất. Tuy nhiên, đập Thủy điện sông Tranh 2 được thiết kế phù hợp với mức động đất cực đại, nên an toàn ngay cả trong trường hợp mức nước hạ lưu tăng lên hoặc xảy ra động đất với cường độ lớn hơn giả thiết. Thực tế, ngay cả khi có nhiều trận động đất nhỏ trong một ngày, thì kết quả kiểm tra cho thấy, đập thủy điện này vẫn bảo đảm an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn đã đề ra. Dù vậy, trước diễn biến phức tạp của các đợt rung chấn vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và triển khai đề tài Nghiên cứu quá trình diễn biến động đất và lắp đặt hệ thống quan sát tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thông tin cho địa phương chủ động theo dõi những diễn biến mới. UBND tỉnh Quảng Nam chú trọng triển khai tuyên truyền, vận động người dân yên tâm sản xuất; phổ biến về kiến thức phòng, tránh và ứng phó với động đất.
Tại Phiên giải trình, lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giải trình về chất lượng thân đập; hồ sơ thiết kế công trình; tác động của động đất kích thích khu vực Thủy điện sông Tranh 2; công tác đánh giá tác động môi trường; công tác điều tiết và vận hành hồ chứa...