Ủy ban Đối ngoại khảo sát tác động của các FTA thế hệ mới tới doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2019 – 2021

- Thứ Sáu, 05/11/2021, 19:35 - Chia sẻ
Chiều 5.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức khảo sát tác động của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên tới các doanh nghiệp Việt Nam và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới việc triển khai các FTA giai đoạn 2019 – 2021.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu tại cuộc làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu tại cuộc làm việc
Ảnh: Thanh Chi

Tham dự có đại diện các bộ: Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Khoa học và Công nghệ cùng đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, năm 2020, Ủy ban Đối ngoại đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên” nhằm rà soát, đánh giá việc thực thi các hiệp định này. Tại thời điểm đó, những FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chưa chính thức có hiệu lực; chỉ có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực hơn 1 năm, chưa đủ dài để đánh giá đầy đủ kết quả thực thi.

Vì vậy, lần này, Ủy ban Đối ngoại tổ chức khảo sát nhằm đánh giá tình hình triển khai, thực thi các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA; đồng thời, đánh giá tác động của các hiệp định này tới doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong giai đoạn 2019 – 2021. Ủy ban Đối ngoại mong muốn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu chia sẻ cởi mở về những khó khăn, vướng mắc, những rào cản liên quan đến chính sách đang cản trở các doanh nghiệp tận dụng những ưu đãi mà các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đem lại.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho biết, trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, hoạt động khảo sát của Ủy ban Đối ngoại cũng là dịp để cơ quan của Quốc hội lắng nghe phản hồi từ phía doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng như đánh giá ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới việc triển khai các FTA giai đoạn 2019 - 2021.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, thông qua khảo sát, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sát cánh cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các FTA nói chung, trong đó có FTA thế hệ mới; những lợi ích mà các doanh nghiệp được thụ hưởng từ các hiệp định này cũng như mong muốn, kỳ vọng của doanh nghiệp đối với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, cơ quan hoạch định, ban hành chính sách nhằm nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thương trường thế giới.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, thời gian qua, có thể thấy nhiều sản phẩm của Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường quốc tế. Song mặt khác, Nhà nước và doanh nghiiệp, hiệp hội ngành nghề cần chung sức, đồng lòng, nỗ lực hơn nữa để nâng tầm sản phẩm Việt Nam, gia tăng giá trị, từ đó nâng tầm vị thế của Việt Nam.

	Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang trình bày khái quát về các FTA thế hệ mới
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang trình bày khái quát về các FTA thế hệ mới
Ảnh: Thanh Chi

Tại cuộc khảo sát, các đại biểu đã nghe Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang trình bày khái quát về quy mô, các cam kết thuế quan và một số vấn đề đáng lưu ý trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định, các FTA thế hệ mới cơ bản mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, nhất là những thị trường lớn như EU. Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cũng cho biết, một số vướng mắc ở phía Việt Nam trong quá trình thực thi và tận dụng các lợi ích mà các FTA thế hệ mới đem lại là: khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ của doanh nghiệp, thủ tục cấp Chứng nhận xuất xứ, việc giải thích và áp dụng quy tắc xuất xứ trong hoạt động xuất - nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước; thủ tục xuất - nhập khẩu, các thủ tục cấp phép, kiểm tra trước khi hàng lên tàu, việc hoàn thuế ưu đãi. Mặt khác, doanh nghiệp trong nước hiện cũng gặp phải một số hạn chế trong khả năng tiếp cận thị trường, liên quan đến các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường, bảo hộ pháp lý…

	Giám đốc Công ty TNHH Vietgo thuộc Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Tuấn Việt kiến nghị một số vấn đề với Quốc hội, Chính phủ về chính sách, pháp luật nhằm tăng tốc việc tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới
Giám đốc Công ty TNHH Vietgo thuộc Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Tuấn Việt kiến nghị một số vấn đề với Quốc hội, Chính phủ về chính sách, pháp luật nhằm tăng tốc việc tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới
Ảnh: Thanh Chi

Các đại biểu cũng đã trao đổi nhằm nhận diện rõ những bất cập, vướng mắc cản trở quá trình thực hiện các FTA; đưa ra những khuyến nghị, đề xuất cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, địa phương về chính sách, pháp luật nhằm tăng tốc việc tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới nhằm khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh “bình thường mới” trước diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19.

Thanh Chi