Triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021

Ưu tiên xây dựng văn bản chi tiết theo phạm vi và mức độ tác động

- Thứ Bảy, 02/10/2021, 06:32 - Chia sẻ
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Pháp luật, các đại biểu ghi nhận tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết trong năm 2021 đã giảm khá nhiều so với năm 2020. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần phân loại để dành ưu tiên cao hơn đối với việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết có phạm vi rộng, cấp thiết, trọng yếu, áp dụng mang tính thường xuyên, liên tục.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Lê Bình

Mỗi địa phương thực hiện một kiểu

Tại dự thảo Báo cáo thẩm tra về tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67 năm 2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021, nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật dành nhiều thời lượng đánh giá về công tác thi hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Theo nhóm nghiên cứu, trong năm 2021, công tác xây dựng pháp luật để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động bị tác động tiêu cực bởi đại dịch đã được các cơ quan quan tâm, tập trung chỉ đạo. Chính phủ đã đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế... được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.

Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 trong một số thời điểm, ở một số địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời, chưa bảo đảm sự thống nhất. Đáng lưu ý, trong quá trình áp dụng các Chỉ thị của Thủ tướng đã xuất hiện tình trạng mỗi địa phương áp dụng và tổ chức thực hiện một kiểu, đưa ra các yêu cầu, biện pháp thực hiện không thống nhất về hạn chế đi lại, lưu thông hàng hóa...

Có cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lưu ý, địa phương có khi không chấp hành ý kiến hướng dẫn của bộ, ngành nhưng cũng không bị nhắc nhở, xử lý kịp thời. Vì vậy, những bất cập trong ban hành các quyết định hành chính về thực hiện phong tỏa, cách ly tập trung, cấp giấy phép đi đường... chậm được khắc phục. “Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc giao quyền, phân cấp cho các địa phương được thúc đẩy thực hiện. Tuy nhiên, có nơi, có lúc giao quyền cho cơ sở quá quyền hạn nên có chính quyền địa phương thực hiện quá thẩm quyền của mình". Ông Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, các bộ ngành cần sớm vào cuộc để chấn chỉnh những hiện tượng bất cập này. 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu
Ảnh: Lê Bình

Chậm ban hành văn bản hướng dẫn tạo lỗ hổng pháp luật

Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm tại Phiên họp là về công tác ban hành văn bản quy định chi tiết. Dù thời gian "kiểm đếm" số lượng văn bản quy định chi tiết được ban hành của năm 2021 (từ này 1.10.2020 đến 24.9.2021) ngắn hơn so với năm 2020 (từ ngày 16.8.2019 đến 30.9.2020), nhưng số văn bản quy định chi tiết "nợ" chưa ban hành đã giảm khá nhiều so với trước đó. Hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành chỉ còn 8 văn bản quy định chi tiết chưa ban hành, trong khi số lượng văn bản cần xây dựng và ban hành nhiều hơn so với năm trước. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, trong điều kiện có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, tác động của dịch bệnh Covid-19, số lượng văn bản quy định chi tiết chậm ban hành giảm mạnh trong năm 2021 là một kết quả cần được ghi nhận đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.

Trên cơ sở các kết quả tích cực này, các đại biểu cũng đề nghị cần sớm có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng “chậm ban hành văn bản quy định chi tiết”. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Minh Nam nhắc lại một số ví dụ cho thấy hệ quả của tình trạng này như: Luật Khoáng sản ban hành từ năm 2010 nhưng đến năm 2013 mới có nghị định hướng dẫn việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo tính toán của cơ quan chức năng, số lượng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản “hụt thu” lên đến hàng nghìn tỷ đồng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải ban hành nghị quyết khắc phục hậu quả của sự chậm trễ này. Hay như, Nghị định 40/2020 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành chậm 3 tháng so với Luật đã ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công. 

Một ví dụ khác được Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh đưa ra là do chậm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính dẫn đến khoảng trống pháp luật khi Luật này mới có hiệu lực. Các địa phương băn khoăn có được xử phạt vi phạm hành chính hay không khi văn bản quy định chi tiết Luật cũ đã hết hiệu lực thi hành? Căn cứ vào văn bản nào để thực hiện xử lý vi phạm hành chính khi văn bản quy định chi tiết mới chưa được ban hành?

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhất là khắc phục các lỗ hổng pháp luật vì chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, ông Lê Minh Nam gợi mở, cần xem xét có phân loại, ưu tiên đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết theo mức độ ảnh hưởng. Văn bản nào có tính cấp thiết, trọng yếu, phạm vi rộng, áp dụng mang tính thường xuyên, liên tục thì phải ban hành sớm, yêu cầu trình dự thảo nghị định hướng dẫn cùng với hồ sơ dự án Luật.

Lê Bình