Ưu tiên vốn đầu tư năng lực thiết bị cho các làng nghề

- Thứ Bảy, 31/10/2020, 23:47 - Chia sẻ

Năm 2019, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xét và công nhận 14 làng nghề, nâng tổng số làng nghề được công nhận trên địa bàn tỉnh lên 252. Trong đó, số làng nghề trồng và chế biến chè là 230, chiếm 91%; 10 làng nghề chế biến nông - lâm sản thực phẩm, chiếm 4%; 5 làng nghề gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, chiếm 2%; 4 làng nghề mây tre đan, chiếm 1,5%; còn lại là các làng nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng đào và sinh vật cảnh.

Từ điều kiện đặc thù của địa phương, tỉnh Thái Nguyên phát triển tốt cây chè và tạo ra đặc sản truyền thống của địa phương. Với đặc thù của cây chè, được phát triển tốt trong dân tạo ra các làng trồng và chế biến chè và tạo nên các làng nghề truyền thống. Hiện nay, khu vực làng nghề đóng góp ngày một lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN của ngành công thương Thái Nguyên.

Với các làng nghề trồng và chế biến chè, Sở Công thương hỗ trợ kinh phí cho Hiệp hội Làng nghề tỉnh đầu tư 57 máy sao chè, 104 máy vò chè, 2 máy hút chân không cho làng nghề chè cụm Khe Cốc (huyện Phú Lương), làng nghề chè truyền thống xóm Phú Ninh 1 (huyện Đình Hóa), làng nghề chè truyền thống xóm Tân Tiến (huyện Đồng Hỷ). Trong đó, Hợp tác xã chè Khe Cốc, một trong số đơn vị thụ hưởng từ chương trình chia sẻ: Sự hỗ trợ của chương trình khuyến công rất kịp thời, giúp làng nghề ứng dụng được máy móc hiện đại vào sản xuất.

Ngoài ra, Sở Công thương tỉnh cũng ưu tiên hỗ trợ các làng nghề tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm CNNT tiêu biểu, xây dựng và phát triển thương hiệu; cung cấp thông tin thị trường và kết nối cung - cầu hàng hóa; triển khai website giới thiệu sản phẩm chè tích hợp với truy xuất nguồn gốc… Từ đó, quảng bá rộng rãi sản phẩm, giúp các làng nghề trên địa bàn tỉnh mở rộng đầu ra.

Năm 2020, Sở Công thương Thái Nguyên đã lên kế hoạch triển khai nhiều hoat động thiết thực, tạo việc làm mới, chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ, tạo vùng nguyên liệu, sản phẩm thế mạnh cho làng nghề. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực cho phát triển công nghiệp - TTCN và làng nghề. Bám sát tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh, tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản xuất kinh doanh chủ động phát triển vững mạnh.

CTV