Ưu tiên thị trường trong nước

- Thứ Hai, 30/08/2021, 07:08 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất, tiêu dùng trong nước như xăng dầu, than đá, sắt thép, phân bón… đã xuất hiện một số dấu hiệu cần được theo dõi, đánh giá, tăng cường quản lý.

Từ thực tế này, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có Chỉ thị về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước. Chỉ thị nêu rõ, việc nhập khẩu một số mặt hàng tăng rất mạnh trong khi những mặt hàng này trong nước có khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu; một số mặt hàng trong nước có nhu cầu lớn nhưng lại được xuất khẩu nhiều, làm ảnh hưởng tới cán cân cung cầu và mặt bằng giá cả trong nước.

Để góp phần ổn định giá cả, thị trường, qua đó hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng trong nước, Bộ Công thương yêu cầu các hiệp hội, các tổng công ty và doanh nghiệp rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm. Có biện pháp tăng công suất để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước đang có nhu cầu cao. Ưu tiên nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước; ưu tiên sử dụng nguồn hàng trong nước thay thế cho nguồn hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công thương cần rà soát tình hình xuất, nhập khẩu cũng như cơ chế quản lý từ đó đề xuất các biện pháp tăng cường công tác quản lý xuất khẩu, nhập khẩu đối với các mặt hàng cần hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước. Rà soát các biện pháp phòng vệ thương mại và kiến nghị, đề xuất các biện pháp phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất trong nước. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, nhất là các mặt hàng trọng điểm phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Trong bối cảnh hiện nay, việc cần phải chuẩn bị "nền tảng" vững chắc để phục vụ thị trường trong nước, tránh bị động trong mọi trường hợp là hết sức cần thiết. Cũng bởi vậy mà trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II mới đây đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Có giải pháp bình ổn giá, thực hiện chính sách điều hành bảo đảm mục tiêu, sát với tình hình thực tế và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Để thực hiện được điều này, vấn đề quan trọng là những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa phải được tháo gỡ để chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá. Có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Bên cạnh đó, việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ cũng cần linh hoạt bảo đảm thống nhất, hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô, qua đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, phải tiếp tục giữ ổn định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, từ đó kiểm soát lạm phát.

Hân Anh