Phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025

Ưu tiên đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả

- Thứ Ba, 21/07/2020, 05:22 - Chia sẻ
Dự thảo Quyết định về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 đã thay đổi tiêu chí xác định vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phân định thôn, xã đặc biệt khó khăn. Sự thay đổi này sẽ không tránh khỏi ý kiến trái chiều của xã hội. Song việc đưa ra khỏi vùng dân tộc thiểu số những xã không có hoặc có rất ít người dân tộc thiểu số là phản ánh đúng thực thế, bảo đảm được quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, đó là ưu tiên đầu tư trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

Xét theo hướng có lợi

Theo các đại biểu tham dự Hội thảo về tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 sáng qua, trước đây vùng dân tộc thiểu số và miền núi được xác định dựa vào danh sách các xã, thôn đã thực hiện phân định từ năm 1996, có bổ sung các xã chia tách, thành lập mới. Tuy nhiên, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn chưa được xem xét, nên có nhiều xã, thôn không có dân tộc thiểu số, hoặc có rất ít cũng được phê duyệt là xã, thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Để khắc phục vấn đề trên, dự thảo Quyết định đã quy định: Vùng dân tộc thiểu số là các xã, thôn có trên 15% hộ dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành cộng đồng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì Hội thảo
Ảnh: Hoàng Ngọc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết thêm, sở dĩ chúng ta quy định những xã, thôn có trên 15% hộ đồng bào dân tộc thiểu số là vùng dân tộc thiểu số vì hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,7% dân số cả nước nên Ủy ban Dân tộc lựa chọn con số 15%. Nhưng vùng dân tộc thiểu số và miền núi là "vùng hở", không thể khoanh lại toàn bộ, nên cơ quan soạn thảo dự thảo dự định, nếu cần thiết có thể bổ sung quy định Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định những xã có tỷ lệ xấp xỉ như 14,9%, 14,2% được xác định là vùng dân tộc thiểu số.

Một điểm đáng lưu ý của dự thảo Quyết định là tiêu chí xác định xã khu vực I, khu vực II, khu vực III. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu rõ, xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) được đầu tư toàn diện từ cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội và con người. Xã còn khó khăn (khu vực II) được đầu tư bổ sung một phần cơ sở hạ tầng, áp dụng chính sách đối với con người. Xã bước đầu phát triển (khu vực I) chỉ áp dụng chế độ, chính sách cho con người.

Tiêu chí xác định địa bàn đặc biệt khó khăn được quy định đơn giản, lựa chọn các chỉ tiêu mang tính tổng hợp, định lượng, có thể đo đếm được. Ví dụ, xã khu vực III là xã thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (các xã thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 15% trở lên hoặc có trên 150 hộ dân tộc thiểu số nghèo/xã). Số liệu này được căn cứ trên dữ liệu hộ nghèo dân tộc thiểu số tính đến ngày 31.12.2019 là 22%. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: “Chúng tôi xét theo hướng có lợi”, và nhấn mạnh, trường hợp các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (đối với các xã thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 12% đến dưới 15%) nếu có một trong các điều kiện được quy định trong dự thảo cũng được xác định là xã đặc biệt khó khăn. Phân định vùng dân tộc thiểu số cũng không bất biến, mà đến năm 2023, hàng năm sẽ rà soát, có xã ra và có xã vào.

Dự thảo Quyết định còn nhấn mạnh vai trò của UBND các tỉnh, thành phố, căn cứ vào tiêu chí phân định để rà soát xã, thôn theo trình độ phát triển, chịu trách nhiệm về số liệu gửi cho Ủy ban Dân tộc. "Lần này Ủy ban Dân tộc sẽ tổ chức thẩm định. Sau khi thẩm định xong, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận cho xã, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ký quyết định công nhận cho thôn".

Phản ánh đúng thực tế

Tham gia ý kiến về dự thảo, có ý kiến cho rằng, vùng dân tộc thiểu số được quy định là các xã, thôn có trên 15% hộ dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành cộng đồng còn bất cập. Đơn cử, phạm vi quản lý về công tác dân tộc và miền núi của Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố sẽ bị thu hẹp, từ hơn 5.000 xã xuống còn hơn 3.000 xã - liệu có hợp lý không khi chúng ta bỏ sót đối tượng? Nếu muốn đầu tư tập trung thì khi xét tiêu chí đối với xã, thôn khu vực III nên nâng cao hơn so với dự thảo đang quy định. Đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi: Xã là vùng dân tộc thiểu số có 20% tỷ lệ hộ nghèo được xác định xã đặc biệt khó khăn, nhưng đối với xã người Kinh tỷ lệ hộ nghèo là từ 35 - 40% lại không được đầu tư - như vậy có bảo đảm công bằng và ưu tiên với vùng đặc biệt khó khăn không? Với thực tế này, ban soạn thảo không nên hạn chế phạm vi 15% mà nên mở rộng như trước đây.

Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thẳng thắn, hiện nay có 476 xã không có người dân tộc thiểu số (hoặc có nhưng rất ít), 1.126 xã dưới 10% là người dân tộc thiểu số, thì rõ ràng đây không phải vùng dân tộc thiểu số và miền núi. "Chúng ta đừng lo dân tộc Kinh không được đầu tư, bởi chúng ta có 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ đầu tư vào địa bàn không có trong chương trình này. Có điều Quốc hội đã chỉ đạo, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được đầu tư ở mức cao nhất, chương trình sau sẽ thấp hơn". Cho nên, những xã ra khỏi vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư theo chính sách giảm nghèo bền vững. "Quốc hội cũng không thông qua cụ thể con số là 15%, nhưng đã đưa ra nguyên tắc để Chính phủ tập trung vào những nơi đúng là vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đúng là nơi khó khăn nhất và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, giai đoạn trước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đầu tư 63.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, giảm nghèo bền vững được 41.000 tỷ đồng, cộng lại đúng 104.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã bằng 104.000 tỷ đồng - đó chính là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.    

Thay đổi tiêu chí trong xác định vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phân định thôn, xã đặc biệt khó khăn không tránh khỏi có ý kiến trái chiều, nhất là đối với địa bàn trước đây được xác định thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang thụ hưởng chính sách. Song, đa số ý kiến tham dự hội thảo thống nhất cho rằng, việc đưa ra khỏi vùng dân tộc thiểu số những xã không có hoặc có rất ít người dân tộc thiểu số là phản ánh đúng thực tế, bảo đảm được quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, đó là ưu tiên đầu tư trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

Anh Thảo