Ưu tiên của Chính phủ mới

- Thứ Hai, 05/04/2021, 05:53 - Chia sẻ

Trong tuần này, Quốc hội sẽ xem xét và bỏ phiếu bầu các chức danh chủ chốt hình thành nên bộ máy Chính phủ mới.

Tân thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành sẽ nhận trọng trách với kỳ vọng lớn đó là đưa đất nước vượt qua những thách thức trong và sau Covid-19; tiến sâu vào kỷ nguyên số; hiện thực hóa những tiềm năng và cơ hội của một quốc gia có dân số 100 triệu người nằm ở trung tâm của khu vực đang tăng trưởng và phát triển sôi động nhất toàn cầu. Từ đó tạo ra nền tảng cho đất nước hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc bậc trung phát triển và thịnh vượng vào năm 2025.

Chính phủ mới có những thuận lợi khi kế thừa 2 chương trình cải cách đã được khởi xướng mạnh mẽ và bắt đầu “cho quả ngọt” của nhiệm kỳ trước.

Một là công cuộc cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh thông qua cắt giảm giấy phép con, giảm thủ tục hành chính, rà soát và xử lý những chồng chéo, mâu thuẫn pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Hai là việc xây dựng các dịch vụ nền tảng của Chính phủ điện tử và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục dồn nỗ lực cho 2 định hướng quan trọng kể trên theo hướng “đi vào chiều sâu” là rất cần thiết.

Theo đó, Chính phủ mới nên tiếp tục hoàn thiện các thể chế thị trường, đặc biệt là thị trường đất đai. Cùng với việc nâng cao hiệu quả của hệ thống tư pháp nước nhà, cả ở khâu điều tra, xét xử, thi hành án để đáp ứng nhu cầu bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân, doanh nghiệp; và nâng cao môi trường, tiêu chuẩn pháp lý ngang tầm quốc tế phục vụ hội nhập sâu kinh tế toàn cầu.

Hướng đến xây dựng Chính phủ số, bên cạnh dịch vụ hành chính công trực tuyến, Chính phủ mới cần tiếp tục đi sâu khai thác giá trị dữ liệu số phục vụ công tác quản trị - điều hành và ra quyết định - đặc biệt ở cấp độ quản trị địa phương.

Ứng dụng mạnh mẽ Chính phủ số vô cùng quan trọng cho cải cách hành chính ở phương diện đo đếm, kiểm soát kết quả thực thi công việc của đội ngũ công chức; nâng cao hiệu quả hành chính. Qua đó, giúp cắt giảm số lượng công chức và tổ chức lại bộ máy chính quyền. Và nếu làm được điều này cũng cho phép tính đến bước cải cách căn bản hơn, cấu trúc lại hệ thống hành chính trên cơ sở tách bạch chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ dựa trên đội ngũ công chức hành chính tinh gọn, có tinh thần phục vụ với chuẩn mực đạo đức công vụ cao.

Bên cạnh đi vào chiều sâu các cải cách của nhiệm kỳ trước, có 2 ưu tiên Chính phủ mới cần xem xét nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn của đất nước.

Đầu tiên là tạo bước đột phá mới cho hệ thống hạ tầng quốc gia trong thời đại số, gồm cả hạ tầng truyền thống (giao thông và năng lượng) và hạ tầng số (hạ tầng internet, kết nối di động tốc độ cao, hạ tầng điện toán đám mây). Mục tiêu quan trọng nhất là hạ tầng hiện đại và sẵn sàng cho biến đổi khí hậu. Để thu hút đủ nguồn tài chính và bảo đảm hiệu quả, hiệu suất đầu tư, Chính phủ mới nên ưu tiên sử dụng hợp lý phương thức đối tác công - tư (cả trong nước và nước ngoài) trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, minh bạch.

Cùng với đó, Chính phủ chủ động đảm nhận các vai trò mới trong thiết chế quốc tế, khu vực với tư cách Việt Nam là quốc gia chủ chốt, lãnh đạo ở khu vực Đông Nam Á. Cần có cam kết đưa Việt Nam trở thành thành viên nòng cốt có trách nhiệm; tiên phong trong vai trò lãnh đạo góp phần duy trì hòa bình, ổn định và là động lực quan trọng cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đáp ứng kỳ vọng và tận dụng được bối cảnh phát triển năng động của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn đang là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là trung tâm điểm của thế giới trong thế kỷ XXI. Với mục tiêu này, Việt Nam cần tích cực thúc đẩy, khởi xướng, tham gia các sáng kiến đa phương nhằm tăng cường đối thoại và hợp tác về an ninh trong khu vực, gồm cả những vấn đề an ninh và an toàn mới nổi như an toàn hàng hải, an ninh mạng.

Cẩm Phô