Ưu tiên bảo vệ việc làm

- Thứ Ba, 08/12/2020, 10:07 - Chia sẻ
Kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi đáy suy giảm nhưng phục hồi lại sản xuất kinh doanh hậu Covid – 19 là không dễ dàng. Mọi nguồn lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn bởi tác động của đại dịch. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lúc này các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần hướng tới tiếp sức cho doanh nghiệp thật nhanh chóng, kịp thời. Nếu doanh nghiệp “sống”, người lao động khắc có việc làm và kinh tế sẽ phát triển tốt hơn.

Doanh nghiệp “ốm” thì người lao động “yếu”

Anh Phạm Văn Nam, 32 tuổi, “ngồi nhà” hơn 8 tháng nay. Trước dịch Covid – 19, anh làm công nhân trong một công ty dệt may ở Khu công nghiệp Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty không có đơn hàng nên tạm ngừng sản xuất khiến anh Nam và hơn 2 trăm lao động khác đột ngột rơi vào cảnh thất nghiệp.

Anh Nam chỉ là 1 trong số hàng triệu lao động Việt Nam bị Covid – 19 “lấy mất” việc làm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng năm 2020,  tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước là 2,27% (thành thị 3,66%; nông thôn 1,58%); tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) là 7,07% (thành thị 10,7%; nông thôn 5,53%). Riêng quý 3 có 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp và 1,35 triệu thanh niên không có việc làm, không tham gia đào tạo hoặc học tập.

Covid - 19 khiến hàng triệu lao động rơi vào cảnh thất nghiệp
Covid - 19 khiến hàng triệu lao động rơi vào cảnh thất nghiệp
Ảnh V.Dũng

Diễn biến như vậy của thị trường lao động là tất yếu khi hầu hết các nền kinh tế buộc phải đóng cửa và gây đình trệ chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu – mà Việt Nam không phải ngoại lệ. Tuy Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tăng trưởng dương 2,21% trong 9 tháng đầu năm nhưng tốc độ này cách rất xa mục tiêu đặt ra (6 – 7%). Cũng trong 9 tháng đầu năm, cả nước có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3,2% về số doanh nghiệp và giảm 16,3% về số lao động; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp “ốm” thì người lao động “yếu” và họ càng “yếu” hơn khi hiệu quả các gói hỗ trợ lần 1 chưa được như mong đợi. Rõ nhất là gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, đến 26.10 mới có 12,68 nghìn tỷ đồng đến được với 12,78 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch. Hay gói 16 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động đến ngày kết thúc (31.7) cũng không giải ngân được mấy đồng vì điều kiện, thủ tục phức tạp, rườm rà!

Trong khi quá trình giải ngân chậm trễ, người lao động vẫn phải tự mình chịu đựng tất cả những khó khăn do dịch bệnh và suy giảm hoạt động kinh tế gây ra. Đáng lo ngại hơn, một tương lai bất định vẫn đang chờ họ ở phía trước. TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích: “Tỷ lệ thất nghiệp trong quý 3.2020 giảm so với quý trước đó cho thấy hoạt động kinh doanh có thể đang bắt đầu phục hồi, tuy vậy, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng cao cho thấy sự phục hồi này có thể sẽ cần nhiều thời gian”.

“Chúng ta cần phải quan tâm đến 31,8 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 như bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Dù Chính phủ đã rất nỗ lực nhưng thực tế cho thấy đời sống người lao động rất khó khăn”, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn nói và dẫn lời của bà Sara Elder, trưởng bộ phân phân tích kinh tế - xã hội khu vực của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhấn mạnh “những thành thức trong thời kỳ tiền khủng hoảng đối với thanh niên đã tăng gấp bội do đại dịch” và nếu không được quan tâm thích đáng, “khủng hoảng này có nguy cơ tạo nên một thế hệ bị phong tỏa”.

Ổn định chính sách, cải cách môi trường kinh doanh

“Vào lúc này, Chính phủ nên ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ việc làm”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nhấn mạnh. Hàm ý của ông Đồng có thể hiểu là Chính phủ cần linh hoạt hơn trong chính sách hỗ trợ người lao động thông qua doanh nghiệp. Các chính sách của Chính phủ cần hướng tới hỗ trợ, tiếp sức để doanh nghiệp phục hồi nhanh sau đại dịch và tiếp tục tạo việc làm cho người lao động.

Mặc dù kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi đáy suy giảm nhưng phục hồi lại sản xuất kinh doanh hậu Covid – 19 không hề dễ dàng. Các nguồn lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn bởi tác động của đại dịch. “Sau gần 8 tháng chống chọi với dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu có biểu hiện đuối về trường vốn, gặp khó khăn về thị trường, nguồn cung…”, ông Tô Hoài Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết. Vì thế, theo ông Nam, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc này vẫn vô cùng cần thiết và cần sớm được triển khai. Đặc biệt, “doanh nghiệp nhỏ và vừa có 5 - 7 lao động, nếu được cứu sống sẽ giải quyết vấn đề về an ninh trật tự, vì lao động không được đào tạo sẽ có nguy cơ mất việc trước tiên và tỷ lệ vi phạm pháp luật trong nhóm lao động này cao hơn”, ông phân tích.

“Lúc này với doanh nghiệp, sự thấu hiểu và nuôi dưỡng thực sự rất cần thiết”, ông Nguyễn Như So, ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nói. Theo ông, Chính phủ cần tập trung vực dậy các doanh nghiệp có tác động lan tỏa, có khả năng cung cấp lượng hàng hóa lớn và tạo việc làm cho chuỗi cung ứng liên quan. Doanh nghiệp đầu tàu khỏe mạnh sẽ tạo động lực kéo các doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi đứng lên. Cùng với đó là các biện pháp giảm, giãn tối đa các khoản thuế, phí; kéo dài thời gian giảm thuế thu nhập, miễn giảm phí công đoàn đến hết năm 2021 nhằm giúp doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền…

Sự ổn định của chính sách sẽ giúp doanh nghiệp duy trì quỹ đạo tăng trưởng
Sự ổn định của chính sách sẽ giúp doanh nghiệp duy trì quỹ đạo tăng trưởng
Ảnh N.Dương

Chung quan điểm, đại diện ngành đồ uống không cồn cho rằng sự ổn định của hệ thống chính sách thuế cũng như các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi chính là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp duy trì quỹ đạo tăng trưởng và đồng hành với Chính phủ trong việc thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm tới mà Quốc hội giao cho Chính phủ.

Theo thống kê của ngành công thương, cả nước đang có hơn 1.800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đồ uống không cồn, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Các doanh nghiệp lớn trong ngành như Coca-Cola Việt Nam, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tân Hiệp Phát, URC Việt Nam đã tạo ra việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp và khoảng 6 - 10 lần số lượng việc làm gián tiếp từ các hoạt động trong chuỗi cung ứng. Vì vậy, ngành hàng này kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì sự ổn định về mặt chính sách, đặc biệt là các chính sách về ổn định chính sách thuế (không tăng thuế, giãn thu thuế và không đưa ra các loại thuế mới), phí; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ban hành các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng gói hỗ trợ lần 2 mà Chính phủ đang xem xét là rất cần thiết để giúp doanh nghiệp vượt qua cú sốc Covid. “Gói này cần ban hành sớm và thời gian hỗ trợ ít nhất phải kéo dài hết năm 2021”, TS. Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ quan điểm. Góp ý cụ thể, ông Thành cho rằng Chính phủ cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ như kéo dài thời hạn xử lý nợ và đóng thuế, phí, đồng thời giảm thuế, phí và hỗ trợ một số công ty hay tập đoàn lớn.

Tương tự, từ kết quả khảo sát doanh nghiệp, PGS. TS. Bùi Đức Thọ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng nhóm nghiên cứu của trường khuyến nghị Chính phủ cần tập trung hơn vào các giải pháp tiền tệ để nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn, giảm lãi suất và các giải pháp tài khóa nhằm miễn giảm thuế phí, giảm phí bảo hiểm xã hội, giảm các chi phí hạ tầng…

Song hành với những chính sách ngắn hạn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, lúc này Chính phủ cũng nên tranh thủ sự đồng thuận của người dân và các ngành, địa phương thúc đẩy các chính sách có tầm nhìn dài hạn nhằm cải thiện nền tảng vĩ mô, môi trường kinh doanh, cơ sở cho niềm tin xã hội, để chuẩn bị cho những bất trắc lớn hơn trong tương lai. “Các nỗ lực cải thiện hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì”, TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia Kinh tế trưởng của VEPR lưu ý.

Các chuyên gia kinh tế tin rằng trong ngắn hạn, Việt Nam hoàn toàn có thể phục hồi tăng trưởng kinh tế nếu các gói hỗ trợ của Chính phủ “đúng lúc” (ban hành sớm, thực thi nhanh, thủ tục gọn nhẹ), “đúng chỗ” (ngành nào, doanh nghiệp nào cần cứu trước, ngành nào, doanh nghiệp nào có thể hỗ trợ sau) và “đúng cách” (chính sách phải khả thi, tránh tình trạng sấm chớp kêu to nhưng mưa thì nhỏ giọt)…

Khi đó, anh Phạm Văn Nam và hàng triệu lao động khác chắc chắn sẽ qua “cơn bĩ cực” mà virus corona mang tới.

Ở đây kinh nghiệm của các nước cũng đáng tham khảo. Chẳng hạn, trong 9 tháng đầu năm, lãnh đạo các nước châu Âu đã thống nhất đưa ra các gói hỗ trợ tổng trị giá 54 tỷ eur dưới dạng các khoản vay cho các nước thành viên để hỗ trợ thị trường lao động và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ủy ban châu Âu cũng thiết kế chương trình trợ cấp tạm thời cho các doanh nghiệp thuộc các nước thành viên với các biện pháp hỗ trợ trực tiếp, bảo đảm cho vay với các ngân hàng, giãn và hoãn thuế cũng như các loại phí cùng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm và công nghệ phục vụ phòng chống dịch bệnh. Cuối tháng 9, Ủy ban châu Âu thông qua gói tài trợ 87,4 tỷ eur cho các nước thành viên để bảo vệ thị trường lao động.

Ngân hàng trung ương Anh đã cắt giảm lãi suất xuống mức 0,1% vào tháng 1 và hiện vẫn giữ mức lãi suất này, đồng thời đưa vào hoạt động chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tháng 9, Ngân hàng Trung ương Anh tuyên bố kéo dài thời gian cho vay với doanh nghiệp vừa và nhỏ lên 10 năm thay vì 4 – 6 năm như trước đây. Về chính sách tài khóa, các chương trình bảo đảm cho vay của Chính phủ Anh đã giúp các công ty tại Anh vay thêm 70 tỷ bảng Anh trong 8 tháng đầu năm 2020. Các biện pháp hỗ trợ giãn nợ vay mua nhà đã làm giảm 1,8 triệu bảng Anh gánh nặng tài chính tạm thời cho các hộ gia đình…

 

Hà Lan