Ưu thế "nội lực"

- Thứ Tư, 24/02/2021, 05:52 - Chia sẻ
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư đối với các dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách. Đây là một tin vui đối với các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào địa phương này.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã đề nghị rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính đối với các dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách. UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương cho phép tiếp nhận, xử lý hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với các thủ tục có liên quan khác như thẩm định điều kiện giao đất/cho thuê đất/cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cập nhật thông tin tại quyết định quy hoạch…

UBND thành phố phê duyệt chấp thuận chủ trương cho các dự án sau khi nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục về đất đai, quy hoạch, hoàn thiện việc đánh giá môi trường sơ bộ. Về thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư: Giao các sở, ngành liên quan như: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố… rút ngắn thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ 15 ngày còn từ 5 - 7 ngày làm việc.

Có thể thấy, đây là động thái rất tích cực của chính quyền thành phố Đà Nẵng trong việc tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư vào địa phương. Đây cũng là chủ trương nhất quán mà Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã nhấn mạnh đó là thành phố cam kết hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào Đà Nẵng.

Không chỉ Đà Nẵng, nhiều tỉnh thành khác thời gian qua đã và đang rất quyết tâm trong thu hút đầu tư bởi những ưu thế “nội lực”. Đó là sự sáng tạo, sự minh bạch trong thực thi các chính sách ưu đãi và đặc biệt là một chính quyền luôn biết lắng nghe để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Đồng Tháp là một ví dụ. Từ một địa phương không được nhiều doanh nghiệp biết đến nhưng trong 12 năm trở lại đây, Đồng Tháp đã thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Với mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, khi gặp khó khăn vướng mắc, doanh nghiệp sẽ được lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan tiếp xúc trực tiếp để trao đổi, tháo gỡ. Nhờ đó, Đồng Tháp đã tạo được môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, thông thoáng, thủ tục hành chính nhanh gọn. Chính những yếu tố “nội lực” này đã tạo được lực hút các nhà đầu tư khi tìm đến và gắn bó lâu dài với địa phương này.

Nói là sức mạnh “nội lực”, bởi cùng một thể chế, chính sách, nhưng mỗi địa phương, mỗi người đứng đầu lại tạo ra một môi trường thu hút đầu tư khác nhau. Đó là lý do vì sao, có những địa phương dù có điều kiện tự nhiên ưu đãi, cơ sở hạ tầng thuận lợi nhưng vẫn chưa trở thành “mảnh đất màu mỡ” để thu hút đầu tư.

Thực tế cho thấy, có không ít doanh nghiệp khi làm các thủ tục đầu tư họ đã vướng phải những rào cản thủ tục hành chính. Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính kéo dài vì phải “chuyển từ sở nọ, sang ngành kia”. Đó là chưa kể, một số cán bộ, công chức lợi dụng thủ tục rườm rà ấy để làm khó doanh nghiệp, thậm chí có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Những chi phí tuân thủ chính thức và “phi chính thức” ấy đã ảnh hưởng rất lớn, có thể mất đi cơ hội sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư, đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực… Đây là bước đệm thuận lợi khởi đầu để các địa phương đón nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc địa phương thu hút được nhà đầu tư hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào ưu thế "nội lực" của mình. Ưu thế đó phải được thể hiện qua tinh thần phục vụ của chính quyền địa phương như thế nào? Số lượng các thủ tục hành chính được cắt giảm là bao nhiêu? Giảm bao nhiêu chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư từ việc cắt giảm thủ tục không cần thiết?

Muốn “hút” được đầu tư, địa phương phải “rải thảm” bởi những chính sách ưu đãi cụ thể. Cùng với đó là sự đồng hành của lãnh đạo, chính quyền với doanh nghiệp. Nhà đầu tư không thể mặn mà khi thu hút của địa phương không thể hiện rõ được những cam kết bởi chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể mà chỉ “tạo điều kiện” một cách chung chung, thiếu định hướng.

Song Hà