Ưu đãi thuế tương xứng cho xe hybrid để tạo cú hích thay đổi hành vi người tiêu dùng
Trước yêu cầu cấp thiết về giảm phát thải và thúc đẩy giao thông bền vững, việc mở rộng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho các loại xe sử dụng công nghệ hybrid, đặc biệt là xe hybrid tự nạp (HEV) và xe hybrid có hệ thống nạp điện ngoài (PHEV) sẽ tạo cú hích thay đổi hành vi người tiêu dùng, đem lại lợi ích nhiều mặt cho môi trường và nền kinh tế quốc gia.
Xe hybrid hiện chỉ chiếm 3% tổng lượng xe cả nước
Theo quy định hiện hành, chỉ có xe hybrid có hệ thống nạp điện ngoài (PHEV) được hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt 70% trong khi phần lớn xe hybrid đang lưu hành và phổ biến trên thị trường là xe hybrid tự nạp (HEV) lại chưa được ưu đãi. Điều này chưa tạo động lực đủ mạnh để người dân và doanh nghiệp chuyển đổi sang phương tiện xanh và cũng chưa phản ánh đầy đủ hiệu quả môi trường của các loại xe hybrid.
Dẫn số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, cho biết: năm 2023, Việt Nam không bán được chiếc xe sạc ngoài (PHEV) nào; trong khi xe sạc trong (HEV) bán được 3.800 chiếc. Năm 2024, xe PHEV bán được 20 chiếc và HEV tiêu thụ được trên 10.000 chiếc.
“Nhìn vào số xe điện hóa bán ra tăng lên, chúng ta thấy người dân đã bắt đầu quan tâm bảo vệ môi trường”, ông Thái nhận xét. Vậy nhưng, theo ông, “có được số liệu tích cực như vậy nhờ các doanh nghiệp sản xuất ô tô đã giảm giá bán, chứ mức thuế chưa đủ tạo động lực để người dân chuyển sang xe điện”. Lượng xe hybrid bán ra thị trường hiện nay chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng lượng xe của cả nước, chỉ tương đương khoảng 3%.
Nghiên cứu sâu về ô tô điện hóa, ô tô thông minh, TS. Lê Văn Nghĩa, Đại học Bách Khoa, khẳng định xe hybrid, dù nạp điện từ nguồn điện bên ngoài (PHEV) hay tự nạp (HEV) đều thân thiện với môi trường.
“Xe PHEV cho phép người dùng sạc điện từ nguồn bên ngoài thông qua ổ cắm. Xe HEV không cần đến nguồn điện bên ngoài do tự động tái tạo năng lượng khi lái xe và cải thiện hiệu suất của động cơ đốt trong, nhờ đó, giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải. Ngoài ra, xe HEV và PHEV còn có khả năng thu hồi năng lượng trong quá trình phanh nhờ vào hệ thống phanh tái tạo, điều mà xe truyền thống không có”, vị chuyên gia này giải thích.
Theo tính toán của chuyên gia, cả hai dòng xe này đều sử dụng hệ thống kết hợp giữa động cơ đốt trong và mô-tơ điện, giúp tiết kiệm nhiên liệu từ khoảng 30% đến 50% so với xe xăng, dầu truyền thống, đồng thời giảm lượng khí thải nhà kính đáng kể. Thậm chí, trong điều kiện vận hành thực tế tại đô thị – nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc – mức giảm phát thải CO₂ của xe sạc trong (HEV) có thể đạt tới 61%.
Đặc biệt, ưu điểm lớn của xe hybrid là không cần trang bị cơ sở hạ tầng (trạm sạc) mà vẫn đạt hiệu quả tốt về nhiên liệu và thân thiện môi trường.
Theo các chuyên gia, xe thuần điện là giải pháp tối ưu trong việc giảm khí thải nhưng hiện có một số vấn đề như: thiếu hạ tầng trạm sạc (đặc biệt là trang bị sạc tại nhà) và tình trạng thiếu điện vào mùa hè do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Với công nghệ kết hợp giữa động cơ đốt trong và động cơ điện, xe hybrid đang trở thành một giải pháp trung gian khả thi, phù hợp với quá trình chuyển đổi xanh.

Nên ưu đãi 50% thuế để tạo cú hích thay đổi hành vi người dùng
Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 9/5, quy định: áp dụng thuế suất cho xe hybrid bằng 70% mức thuế hiện hành đối với xe cùng loại chạy bằng xăng, dầu, không phân biệt xe PHEV hay HEV.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần mức ưu đãi tương xứng hơn nữa, với hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải của xe hybrid, đồng thời phù hợp với xu thế chính sách tại nhiều quốc gia đang phát triển, thay vì ưu đãi 30% thuế suất như dự thảo đề xuất.
Ông Phan Đức Hiếu, ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính, ủng hộ ưu đãi 50% thuế cho các dòng xe hybrid, không phân biệt HEV hay PHEV. "Cần có chính sách thuế đủ hấp dẫn để thay đổi hành vi tiêu dùng", ông Hiếu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, muốn hướng tới bảo vệ môi trường, tạo thói quen tiêu dùng xanh thì trước mắt cần “hy sinh” nguồn thu ngân sách một chút. Nhưng, xét đến cùng, ưu đãi thuế đó không phải là “hy sinh” mà chính là nuôi dưỡng nguồn thu bởi phần nguồn lực từ ưu đãi thuế lại được đưa vào tiêu thụ, sản xuất... bù lại.
“Đến lúc chúng ta cần cân nhắc để tạo ra “cú hích”. Hiện nay, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 30% cho xe HEV và giảm 50% cho xe PHEV so với các xe động cơ đốt trong cùng loại. "Nếu bây giờ khuyến khích tất cả, cùng giảm 50% thì rất tốt”, bà Cúc nói.
Ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hybrid là “hy sinh” hay “nuôi dưỡng” nguồn thu ngân sách? Lợi ích môi trường, kinh tế - xã hội đạt được ra sao? Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá về vấn đề này.
Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Tổng Giám đốc KPMG, cho biết, tính toán cho thấy, trong giai đoạn 2026 – 2030, nếu được khuyến khích đúng mức, xe HEV và PHEV có thể giúp giảm hơn 2,6 triệu tấn CO₂, tương đương khoảng 333 tỷ đồng tín chỉ carbon.
Về kinh tế, chính sách này sẽ khuyến khích đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa. Ước tính, trong năm đầu tiên nếu chính sách được áp dụng, người dân sẽ tiết kiệm được khoảng 26.000 tỷ đồng chi phí nhiên liệu và 28.000 tỷ đồng chi phí nhập khẩu dầu thô.
Về ngân sách nhà nước, dù có thể giảm thu khoảng 5.000 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, việc mở rộng thị trường xe hybrid sẽ tăng nguồn thu từ sản xuất, tiêu dùng và các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời giảm áp lực nhập siêu từ nhiên liệu.
Đặc biệt, chính sách này còn phù hợp với điều kiện hạ tầng hiện nay. Khác với xe điện thuần túy, xe hybrid không cần trạm sạc, không thay đổi thói quen sử dụng và vận hành như xe truyền thống, từ đó phù hợp với đa số người tiêu dùng, nhất là trong giai đoạn đầu chuyển đổi.

Bước đi chiến lược trong hành trình xanh hóa
Chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạ tầng sạc điện chưa đồng bộ, nguồn điện còn hạn chế và giá thành xe điện còn cao, xe hybrid - đặc biệt xe HEV, là giải pháp trung gian hiệu quả và khả thi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Tổng Giám đốc KPMG, nhiều quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đã sớm có chính sách thuế ưu đãi cho xe HEV và PHEV như một bước đệm để tiến tới phổ cập xe điện.
Ví dụ, tại Thái Lan, năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng của dòng xe điện khí hóa rất cao, lên tới 84% và dòng hybrid tăng 15%. Để đạt được mục tiêu đó thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện khí hóa thấp hơn từ 17 – 20% dòng xe xăng. Tại Indonesia, mức tăng bình quân của dòng xe điện khí hóa tại quốc gia này mỗi năm là 2% nhờ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe này, thấp hơn 8% đến 40% so với cả xe xăng.
“Việt Nam cần đi cùng nhịp với khu vực, tránh để lỡ cơ hội phát triển thị trường và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô xanh”, Phó Tổng Giám đốc KPMG, nói.
Đề cập tới thực tế hiện nay tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, cần sớm có các giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả vấn đề này.
“Xe hybrid, với vai trò là cầu nối giữa xe điện và xe xăng truyền thống, cần được xem xét kỹ lưỡng để xây dựng lộ trình và chính sách phù hợp. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải Việt Nam", Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi nhấn mạnh.