Ước mơ và khát vọng Việt Nam

- Thứ Năm, 15/10/2020, 05:43 - Chia sẻ
Tương lai đáng mơ ước như cặp vợ chồng già và em nhỏ khỏe mạnh, những người lao động và học sinh làm việc chăm chỉ, gia đình hạnh phúc, bảo tồn văn hóa. Nhưng cũng có các thách thức mà chúng ta phải đối mặt liên quan đến biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, khoảng cách giáo dục và rủi ro về sức khỏe như đại dịch Covid-19... “Tương lai tôi muốn” đã được phản ánh sinh động qua các bức ảnh được chụp từ nhiều vùng miền trên cả nước.

Góc nhìn về tương lai

Cặp vợ chồng trẻ người J'Rai đang tắm cho con, mong muốn con mình sẽ ngày càng khỏe mạnh khi được chăm sóc tốt; hay hai cụ già người dân tộc thiểu số trên 80 tuổi vẫn khỏe mạnh và minh mẫn thể hiện niềm mơ ước về cuộc sống hạnh phúc, được nhiếp ảnh gia Hồ Anh Tiến ghi lại trong các bức ảnh của mình. Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Khiêm lại tập trung ghi lại hình ảnh về việc làm sạch khu di sản Hội An, hay lưu giữ bản sắc Việt qua bảo tồn và truyền tải nghệ thuật truyền thống...

Tương lai và ước mơ Việt Nam được thể hiện qua nghệ thuật nhiếp ảnh
Ảnh: Th. Nguyên

Những thách thức về vấn đề môi trường cũng được nêu bật trong nhiều bức ảnh. Đó là tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên - nơi có khí hậu khắc nghiệt, mưa dầm gây lũ lụt, nhưng nắng gắt gây hạn hán; hay khô hạn, nhiễm mặn ở miền Tây, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân; khó khăn khi đến trường mùa lũ của nhiều học sinh ở khu vực đầu nguồn tỉnh An Giang và Đồng Tháp...

Các bức ảnh với nhiều chủ đề, góc nhìn khác nhau, nhưng cùng tập trung khắc họa những hy vọng, thách thức của người dân Việt Nam, đang được trưng bày trong triển lãm “UN75 - Tương lai tôi muốn”, khai mạc chiều 14.10, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội. Theo bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, thành viên Ban giám khảo cuộc thi: Đây là lần đầu tiên, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức cuộc thi ảnh để phản ánh tiếng nói và nhu cầu của mọi người đến từ những hoàn cảnh, vùng miền khác nhau. Chỉ sau một tháng, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.000 bức ảnh dự thi từ gần 120 tác giả trên khắp Việt Nam. Trải qua các vòng tuyển chọn, 49 bức ảnh đẹp nhất được đưa ra triển lãm; 4 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng.

Năm 2020, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khởi động Sáng kiến UN75 với mục tiêu tận dụng thời điểm năm nay như một cơ hội quý báu để lắng nghe tiếng nói và mong muốn của mọi người dân trên thế giới, bất kể tuổi tác, giới tính, dân tộc hay xuất thân và cùng nhau định hình tương lai chúng ta mong muốn. Cuộc thi ảnh UN75 là một phần trong các hoạt động của Sáng kiến UN75 tại Việt Nam, nhằm khuyến khích các nhiếp ảnh gia thể hiện tương lai mà họ mong muốn thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh. “Việc cùng với các nhiếp ảnh gia tìm hiểu thêm về những thách thức mà họ thấy, cũng như khát vọng của họ trong tương lai là điều vô cùng thú vị và mới mẻ. Cuộc thi ảnh là cơ hội tuyệt vời để chúng ta được chứng kiến góc nhìn của người Việt Nam về nhu cầu và ước mơ cho tương lai mà họ mong muốn” - bà Elisa Fernandez Saenz chia sẻ.

Thôi thúc cùng hành động

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh, thành viên Ban giám khảo nhận xét, trong các bức ảnh dự thi, vấn đề môi trường chiếm hơn 50%, tương đối mạnh so với các đề tài khác như sức khỏe, trẻ em, phụ nữ... Nhìn chung, các tác phẩm thể hiện được nhiều yếu tố tạo nên tác phẩm tốt, từ ý tưởng, ánh sáng, bố cục. Nhiều tác phẩm có bố cục gọn gàng, màu sắc tương phản thể hiện ước mong của người trẻ vươn lên trong cuộc sống khắc nghiệt. Các bức ảnh được Ban giám khảo cho điểm cao nhất phản ánh đối tượng chính là trẻ em, là tương lai, ước mơ của chúng ta...

"Cuộc thi ảnh UN75 là một điểm nhấn trong các hoạt động kỷ niệm UN75 tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhân dân Việt Nam cũng kỷ niệm 75 năm ngày độc lập của đất nước mình. Những bức ảnh gợi nhắc chúng tôi về vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc tổ chức các cuộc thảo luận, vận động chính sách và gắn kết cộng đồng vì một tương lai tốt đẹp, bình đẳng, công bằng và hòa nhập hơn cho tất cả người dân Việt Nam".

Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra

Theo Ban giám khảo cuộc thi, các bức ảnh được chọn dựa trên 3 tiêu chí: Tính liên quan của bức ảnh đến chủ đề cuộc thi, đặc biệt khả năng kể chuyện của tác phẩm; tính nguyên bản và sáng tạo của tác phẩm; bố cục và kỹ thuật nhiếp ảnh. “Tuy nhiên, điều khiến Ban giám khảo quan tâm nhất và gây xúc động nhất là những bức ảnh được triển lãm đã khắc họa rõ nét rất nhiều thách thức, hy vọng và giấc mơ của người dân Việt Nam về tương lai. Đó có thể là câu chuyện của những nông dân, công nhân, hay người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, nhân viên y tế, người cao tuổi, phụ nữ, nam giới tại nông thôn hay thành thị, và cả câu chuyện của những người trẻ tuổi, trẻ em trai, trẻ em gái... Tôi tin là khán giả có thể tìm thấy câu chuyện của chính mình, bạn bè hay người thân trong các bức ảnh” - bà Elisa Fernandez Saenz nói.

Giành giải thưởng “Bình chọn của mọi người” với tác phẩm “Vẽ ước mơ”, tác giả Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ: “Tác phẩm ghi lại khoảnh khắc một người con trai và người cha bị cụt cả hai cánh tay đang cố sức vẽ hình ảnh những chiếc bàn tay - đó cũng chính là ước mơ cháy bỏng của họ. Con người sinh ra là để sống, để vươn lên và hòa nhập với cộng đồng. Ai trong chúng ta cũng có ước mơ, khát vọng. Có rất nhiều người khuyết tật ở Việt Nam nhưng do sự định kiến và kỳ thị, họ thường không được coi trọng như những người bình thường. Thông qua lăng kính của mình, tôi muốn chứng tỏ rằng mọi người đều xứng đáng có một ước mơ. Đó chính là mục đích sống của con người và cũng chính là tương lai mà tôi mong muốn”.

Dù không sử dụng ngôn ngữ, nhiếp ảnh có thể minh họa thực tế cuộc sống một cách chân thực, kích thích tư duy, phản chiếu đời sống lại vừa có tính giải trí và dễ hiểu. Bà Elisa Fernandez Saenz tin tưởng, nhiếp ảnh là công cụ mạnh mẽ để nâng cao nhận thức và thôi thúc mỗi cá nhân cùng hành động và tham gia vượt qua các thách thức, thu hẹp khoảng cách ở Việt Nam để đẩy nhanh thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Thảo Nguyên