Cậu học trò yêu thích kiến thức quốc phòng và an ninh
Lù Văn Kiên (sinh năm 2003), hiện đang là sinh viên Lớp A, K71, Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Kiên sinh ra tại xã Mường Khiêng - một xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Hoàn cảnh gia đình cậu vô cùng khó khăn: cha mẹ làm nông, em trai đã nghỉ học còn ông bà tuổi cao nên thường xuyên đau ốm.
Năm 2021, do tác động của mưa lũ kéo dài khiến ngôi nhà Kiên ở liên tiếp bị sạt lở. Thời điểm đó, chính quyền địa phương và người dân trong bản đã góp sức xây dựng lại mái ấm mới cho cậu học trò nghèo và gia đình.
Sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng chưa bao giờ Kiên từ bỏ niềm đam mê và khát khao được học. Từ khi còn là học sinh trung học, chàng trai trẻ đã chấp nhận sống xa gia đình để thuận tiện trong việc đến trường. Kiên tâm niệm chỉ có học tập mới giúp bản thân thoát nghèo và xây dựng được điều kiện kinh tế tốt để gia đình có cuộc sống sung túc hơn.
Cũng từ thời thơ bé, Lù Văn Kiên đã nhen nhóm ước mơ được đứng trong hàng ngũ quân đội. Tuy nhiên, do không đáp ứng đầy đủ điều kiện sức khỏe nên cậu đành bỏ lỡ.
Cứ ngỡ rằng sẽ không được khoác trên mình màu áo xanh, tuy nhiên, ước mơ đó lại một lần nữa tiếp cận Kiên, nhưng thông qua phương thức khác. Năm học cấp 3, Kiên được người thầy dạy bộ môn An ninh quốc phòng giới thiệu và "truyền lửa" về ngành học hiện tại. Càng tìm hiểu sâu hơn về kiến thức sư phạm quốc phòng, niềm yêu thích trong cậu càng phát triển mạnh mẽ. Từ đó, Kiên đã đăng ký theo ngành sư phạm, khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh.
Ngay từ những ngày đầu tiếp cận với chương trình đào tạo, chàng trai trẻ vô cùng hứng thú khi được học các kiến thức cơ bản về đường lối cách mạng và quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thầy cô bộ môn cũng giúp cậu tăng thêm hiểu biết về lý luận và thực tế trong công tác quốc phòng, an ninh của đất nước.
Nam sinh đặc biệt yêu thích các tiết học thực hành, bởi các tiết học này bổ sung kiến thức về kỹ thuật, chiến thuật trong quân sự và các điều lệnh của quân đội. Nhờ chăm chỉ học tập và rèn luyện nên Kiên được bầu làm Tổ trưởng Tổ thực hành giáo dục quốc phòng của lớp.
"Để xứng đáng là sinh viên gương mẫu của ngành, em luôn cố gắng đảm bảo sức khỏe, thể lực cũng như thái độ học tập và tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn nền hòa bình của đất nước" Lù Văn Kiên nhấn mạnh.
Hàng ngày, cậu học trò Lù Văn Kiên thường dậy sớm và đến thư viện đọc sách, tài liệu. Hoạt động này giúp cậu tăng thêm kiến thức, rèn luyện sự tập trung và đạt điểm số cao trong các môn học.
"Với em, mỗi cơ hội học tập đều vô cùng quý giá. Nên em luôn cố gắng tận dụng thời gian để học hỏi. Kiến thức nào không hiểu em sẽ hỏi ngay thầy cô hoặc nhờ bạn bè giải đáp", Kiên cho biết.
Người thầy truyền cảm hứng cho học sinh vùng khó
Để có tiền chi trả phí sinh hoạt và gửi về cho ông bà dưỡng bệnh, từ năm nhất đại học, Lù Văn Kiên đã chăm chỉ đi làm thêm. Cậu nhận nhiều công việc cùng lúc, từ bán bánh mỳ cho đến phụ tiệc cưới bán thời gian, và cố gắng sắp xếp sao cho không trùng lịch học trên lớp.
Chăm chỉ làm việc là vậy nhưng nam sinh không lơ là việc học. Kiên tập trung nghe giảng để hiểu và thuộc ngay kiến thức trên lớp; từ đó giúp tiết kiệm thời gian ôn lại môn học mỗi kỳ thi đến.
Không chỉ được đánh giá cao trong học tập, nam sinh cũng tích cực tham gia các hoạt động của khoa, của trường phát động như Thanh niên khỏe, Liên khúc Thanh niên đoàn ca,...
Sau khi tốt nghiệp 4 năm đại học, Lù Văn Kiên mong muốn trở thành một thầy giáo dạy bộ môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Tiếp đó, nam sinh dự định trở về địa phương công tác và sẽ xin dạy học tại trường cấp 3 có hoàn cảnh khó khăn nhất tại huyện.
Trò chuyện về dự định này, Kiên tâm sự: "Có lẽ sinh ra trong hoàn cảnh vất vả chính là động lực lớn nhất để em quyết tâm tu chí học hành. Bởi em thấu hiểu được, chỉ có kiến thức và học tập mới giúp mình thoát nghèo và vươn lên khá giả. Như người nông dân, khi họ có nhận thức và kiến thức thì sẽ biết phải làm gì trên "luống cày" của mình".
Khi được hỏi rằng có trăn trở nếu công tác tại trường cấp 3 điều kiện kinh tế khó khăn thì không đủ chi phí để lo cho cuộc sống, Lù Văn Kiên lắc đầu. Kiên cho biết, trước mắt, kinh tế không phải là yếu tố đầu tiên mà cậu nghĩ đến.
"Động lực giúp em tiến lên một phần đến từ việc được người thầy thắp lửa yêu nghề. Do đó, em muốn trở thành một thầy giáo để truyền cảm hứng, kiến thức và tình yêu học tập đến với các thế hệ sau", Kiên bộc bạch
Qua công việc của mình, Lù Văn Kiên cũng muốn trở thành tấm gương sáng thúc đẩy nghị lực các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để họ không mất đi niềm tin vào bản thân mà quyết chí học hành góp sức "xóa nghèo" cho quê hương.
Quỹ Đồng hành học sinh, sinh viên vùng khó do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập. Quỹ này dành cho các học sinh, sinh viên vươn lên trong học tập, tu dưỡng; cho những học sinh vùng khó khăn không phải bỏ học giữa chừng, nhất là các học sinh muốn trở thành nhà giáo.
Theo GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từ thực tế hoàn cảnh của nhiều học sinh, sinh viên nhà trường thuộc vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, quỹ được sáng lập nhằm thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến tài, tài trợ học bổng, trao giải thưởng nhằm động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó, phát huy năng lực của bản thân trong học tập và rèn luyện.
Quỹ tiếp nhận và quản lý nguồn tài chính được tài trợ, hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cựu người học để thực hiện các hoạt động đúng với tôn chỉ, mục đích của quỹ và quy định của pháp luật.
GS Nguyễn Văn Minh cũng khẳng định, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cam kết đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng nguồn quỹ; đảm bảo tính công bằng, dân chủ trong xét, chọn đối tượng học sinh, sinh viên được hỗ trợ.