Ứng xử với sông Tô Lịch

- Thứ Bảy, 19/09/2020, 06:55 - Chia sẻ

Suốt 3 thập kỷ qua, chính quyền Hà Nội cùng các nhà khoa học, tổ chức xã hội trong và ngoài nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm “hồi sinh” sông Tô Lịch nhưng bất thành, hàng trăm phương án được thử nghiệm cũng không hiệu quả. Đến nỗi, người ta đã quá quen và dần thờ ơ với những lời hứa làm sạch dòng sông bởi hầu hết chỉ xử lý được phần ngọn, đỡ ô nhiễm được vài ngày rồi đâu lại vào đó.

Dài gần 15km, chảy qua 6 quận, huyện của Hà Nội, sông Tô Lịch sau nhiều nỗ lực áp dụng công nghệ làm sạch vẫn đen ngòm, bốc mùi hôi thối bởi không có dòng chảy và mỗi ngày hứng 150.000m3 nước thải của các khu dân cư. Dù từ cuối năm 1990, Hà Nội tiến hành nhiều biện pháp cơ bản để bảo vệ dòng sông này như nạo vét đáy sông, kè bờ. Từ năm 2009 đến nay, Hà Nội cũng đã có nhiều giải pháp cấp bách như dùng nước sông Hồng rửa sông Tô Lịch, làm sạch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản hay công nghệ Redoxy3C của Đức, dùng hóa chất làm sạch, thu gom các điểm xả thải… nhưng đều như muối bỏ bể. Thực tế, có 2 lần nước sông Tô Lịch trở nên trong xanh nhưng lại không phải do thực hiện các biện pháp trên. Đó là hai trận ngập lịch sử vào năm 2008 và 2016. Đáng tiếc, chỉ được vài tuần sau đó, Tô Lịch lại trở nên đen kịt, cá chết phơi bụng...

GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam từng đánh giá, nhiều năm qua, chính quyền thành phố Hà Nội và các sở, ngành “rất bí và không biết làm thế nào” để giải quyết dứt điểm ô nhiễm sông Tô Lịch. Rất nhiều dự án làm sạch sông Tô Lịch được đưa vào thử nghiệm, áp dụng nhưng cho đến nay, chưa một dự án nào được đưa ra đánh giá xem tính khả thi đến đâu, vướng mắc chỗ nào, vì sao chưa thành công. Cũng chính vì sự “rất bí” trước ô nhiễm nghiêm trọng của sông Tô Lịch, vào giữa năm 2019, đã có đề xuất “cống hóa” sông Tô Lịch theo mô hình từng thực hiện ở một số đoạn sông khác trong thành phố: phủ lớp lát bê tông lên bề mặt bên trên để tạo đường giao thông, đồng thời biến sông thành những con mương ngầm.

Sông Tô Lịch đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa của thủ đô, nên ứng xử với dòng sông này phải hết sức thận trọng, không thể đổ bê tông “đè” lên lịch sử. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đúng thực trạng mới mong cải tạo được sông Tô Lịch. Trước khi nghĩ đến chuyện hồi sinh Tô Lịch trở lại thành con sông trong xanh, Hà Nội nên tập trung giải quyết Tô Lịch với đối tượng là một mương nước thải. Phải giải quyết được các vấn đề như thu gom nước thải, xử lý triệt để nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy, xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông, có giải pháp thoát nước chống ngập khi mưa bão… Chỉ khi xử lý dứt điểm được vấn đề ô nhiễm của con sông chúng ta mới có thể tính đến chuyện khác.

Đã có nhiều bài học về phát triển tương tự ở các thành phố lớn trên thế giới, sông Thames của London (Anh), sông Singapore của quốc đảo Sư tử, sông Hàn ở Seoul (Hàn Quốc) cũng từng ô nhiễm nặng nề, nhưng từ 50 năm hay gần nhất cũng 30 năm trước, các thành phố trên đã thay đổi chính sách, hành vi, hồi sinh các dòng sông một cách kỳ diệu. Có những nước đã có những bước đi sai lầm về cống hóa các dòng chảy, sau đó họ phải lấy lại các dòng chảy bằng mọi cách khi nhận thấy lợi ích mà các dòng chảy mang lại trong các khu đô thị. Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ, nếu các dòng chảy trong Hà Nội không tạo nên lợi thế về giao thông thủy thì cũng giúp cân bằng môi trường sống. Nguyên tắc của con sông là phải luôn có dòng chảy. Do đó, việc tạo dòng chảy kết hợp chặt chẽ với việc ngăn chặn nguồn thải chảy xuống sông sẽ là giải pháp quan trọng để “hồi sinh” sông Tô Lịch.

Cải tạo sông Tô Lịch là mong muốn, khao khát của nhiều người dân Hà Nội. Dù các dự án hồi sinh sông Tô Lịch cho đến nay vẫn mong manh về tính hiệu quả, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép buông xuôi, ngừng đầu tư thời gian, công sức một cách tương xứng cho nó. Bởi, một con sông chỉ có thể sống, nếu chúng ta thật sự nỗ lực cứu nó. Phải nỗ lực, để nếu sông Tô Lịch không thể trong mát nước chảy cuồn cuộn như xưa, thì ít nhất nó không còn là dòng nước thải hôi thối nồng nặc như bây giờ.

Duy Anh