Ứng xử với dịch vụ số

- Thứ Tư, 23/12/2020, 07:15 - Chia sẻ
Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra lựa chọn xác đáng khi xác định kinh tế số là một động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ tới nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam thành một quốc gia thịnh vượng và phát triển.

Dự thảo Văn kiện cũng như phát biểu từ các lãnh đạo cao nhất đều nhất quán ở điểm mấu chốt là để thực thi thành công chiến lược phát triển kinh tế số, khuôn khổ thể chế và pháp lý đi kèm cần đòi hỏi những bước chuyển đổi mang tính đột phá, đặc biệt là về mặt tư duy. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ nhiều năm trước đều luôn nhấn mạnh: Cách mạng Công nghiệp 4.0 phải bắt đầu từ đổi mới thể chế và chính sách. Dù vậy, khi “chạm” đến những chính sách cụ thể sẽ bảo đảm được tính nhất quán - “mở’ ở trên (lãnh đạo Chính phủ) và quy định cụ thể (ở cấp bộ, ngành) - thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Thế mạnh mấu chốt của kinh tế số là đưa các dịch vụ công nghệ số vào các ngành kinh doanh hiện hữu, dùng ưu thế vượt trội của công nghệ để tạo ra các giải pháp, và mô hình kinh doanh mới tạo hiệu quả, năng suất đột biến cho họ cũng như ngành kinh doanh của họ. Tính mới của nó khiến các khuôn khổ pháp lý cũ “bối rối” khi không thể coi Grab là hãng taxi; cũng như Netflix là đài truyền hình. Đơn giản vì những khuôn khổ định danh của pháp luật cũ không bao trùm lên được yếu tố mới mang tính đột phá. Nếu vẫn lấy khung pháp lý cũ, chính sách thuế, chính sách lao động dành cho doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình hiện tại để áp lên cái mới, điều đó đồng nghĩa với triệt tiêu cái mới - rộng hơn là triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo.

Vì lẽ đó, với những nền tảng mới, không thể coi người sở hữu xe mang hợp tác kinh doanh với Grab là nhân viên của Grab. Cũng như không thể coi người sở hữu nhà, mang một căn phòng trống để hợp tác với Airbnb, Traveloka là nhân viên của Airbnb hay Traveloka được. Tương tự là những tài sản trí tuệ để hợp tác kinh doanh, một giáo viên tiếng Anh dành một hoặc nhiều giờ để dạy tiếng Anh trên nền tảng học trực tuyến của Topica không thể coi là giáo viên thuộc biên chế của Topica được.

Tất nhiên, một mô hình mới sẽ dẫn đến những vấn đề chính sách mới cần xử lý và sẽ phát sinh những bài toán cần phải giải với cơ quan quản lý. Thu thuế - thuế thu nhập (nếu có); thuế giá trị gia tăng - thế nào với các tài xế khi họ không phải là nhân viên của Grab? Với các lao động tự kinh doanh ngày càng nhiều, họ sẽ đóng bảo hiểm xã hội thế nào để bảo đảm phúc lợi của chính họ và rộng hơn là tính bền vững của mạng lưới an sinh xã hội của toàn bộ người dân?

Những bài toán đó tuy hóc búa nhưng nếu muốn có một nền kinh tế số thực sự lớn mạnh, môi trường chính sách cần khuyến khích các công ty công nghệ bằng cách cơ quan nhà nước (các bộ, ngành thuế) phải phối hợp và cộng tác cùng doanh nghiệp để cùng tìm lời giải thay vì thấy “đường bóng khó” mà đẩy luôn “quả bóng trách nhiệm” cho doanh nghiệp.

Công nghệ mang đến lợi ích, công nghệ tạo ra vấn đề, nhưng chính công nghệ gợi ý những lời giải. Ngay bài toán thu thuế, nếu có cơ chế phối hợp chia sẻ dữ liệu giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế mà không làm lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, có lẽ sẽ có những giải pháp hiệu quả và hợp lý. Mấu chốt ở đây là hợp tác trên cơ sở tôn trọng và có tính xây dựng giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Bắt đầu từ những việc cụ thể như vậy, định hướng phát triển kinh tế số mà dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra mới có thể thành công. 

Nguyễn Quang Đồng- Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông