Ứng xử với “đất vàng”

Hà Lan 14/02/2019 08:07

Cho tới giờ, Đoàn giám sát của QH đã gần hoàn tất chương trình làm việc với các địa phương về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (tháng 7.2014) đến hết năm 2018. Không chỉ làm việc với UBND các tỉnh, thành phố, quận, huyện, Đoàn còn khảo sát trực tiếp tại những điểm nóng đất đai của từng địa phương, những dự án gây bức xúc trong dư luận, những mảnh đất vàng - giờ cỏ mọc hoang vắng bởi nhà đầu tư không triển khai xây dựng vì nhiều lý do…

Hơn 4 năm qua, quản lý đất đai ở đô thị không phải là không có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương cũng cho thấy quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai đô thị đang có rất nhiều “vấn đề”. Một trong số đó là Nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa đã thất thu khoản tiền - khó định lượng chính xác nhưng chắc chắn là không hề nhỏ - từ những mảnh “đất vàng”, “đất kim cương”, do có lỗ hổng chính sách và lỗ hổng này bị lợi dụng.

Cụ thể, theo Nghị định 59/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ tính vào giá trị doanh nghiệp đối với diện tích đất nhận giao. Còn đối với đất thuê, doanh nghiệp chỉ thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định như các doanh nghiệp khác, không phải tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất thuê vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Nhưng rõ ràng, ngay cả là đất đi thuê từ Nhà nước thì quỹ đất này cũng là một tài sản, một lợi thế lớn, một đặc quyền với nhiều doanh nghiệp nhà nước, nhất là khi những mảnh đất đó có giá trị lớn và vị trí đắc địa. Đơn giản vì không phải doanh nghiệp nào cũng được thuê những mảnh đất như vậy. Và khi “quyền được thuê đất vàng” này không được tính vào trong giá trị cổ phần hóa thì chủ mới mua lại doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn nếu thành công trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng các khu đất này sang hướng khác có tính thương mại cao hơn.

Đây là vấn đề không mới và đã được nhiều chuyên gia các lĩnh vực khác nhau cảnh báo nhiều lần trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua. Năm ngoái, khi giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước QH cũng đã chỉ ra vấn đề này và yêu cầu Chính phủ thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2017, báo cáo QH tại Kỳ họp thứ Tám vào tháng 10 năm nay.

Lỗ hổng chính sách này tồn tại trong một thời gian dài là có lý do của nó. Một phần, khó mà định giá chính xác quyền thuê đất vàng vào trong giá trị doanh nghiệp vì tính phức tạp của nó. Nếu có thể tính đúng, tính đủ thì doanh nghiệp sẽ được định giá quá cao và như vậy sẽ khó bán. Còn một nguyên nhân nữa là một số bộ chưa làm tốt trách nhiệm được giao, chưa kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để ngăn ngừa thất thoát tài sản nhà nước.

Thực tế này đòi hỏi chuyên đề giám sát tối cao của QH phải tìm được lời giải triệt để; nếu không muốn Nhà nước tiếp tục thất thu một khoản thu tiềm năng đáng kể từ những mảnh đất vàng của mình. Chuyện ứng xử với đất vàng trong chuyển nhượng vốn nhà nước có thể đơn giản chỉ là: Nếu không muốn đưa lợi thế địa lý của những mảnh đất thuê này vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa thì doanh nghiệp cần phải hoàn trả lại những mảnh đất đang thuê trước khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Đồng thời, Nhà nước sẽ cho đấu giá công khai quyền thuê những mảnh đất đó để bảo đảm lợi ích tối đa cho ngân sách.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ứng xử với “đất vàng”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO