Ứng xử văn hóa với rối nước
Ngạc nhiên dai dẳng nhất của tôi: người Việt, trẻ em Việt lại không mấy nao nức xem rối nước của mình?
Một
Thật chạnh lòng khi xem rối nước cổ truyền ở Hà Nội, thấy đông du khách nước ngoài, chăm chú xem đầy khoái cảm, mà quá ít người thủ đô. Tôi nhớ Festival Huế năm 2004, người Việt cũng không mặn lắm với rối nước cổ, và điều đáng ngạc nhiên nhất dành cho sân khấu có một không hai này, bao giờ cũng lại từ... người nước ngoài. Và năm nào cũng thế, người thờ ơ nhất với rối nước của người Việt mình lại vẫn chính là… người mình.
Vì thế, ngạc nhiên dai dẳng nhất của tôi: người Việt, trẻ em Việt lại không mấy nao nức xem rối nước của mình? Và, rối nước, vốn là của cải văn hóa phi vật thể đặc sắc bậc nhất Việt Nam, cách đây vài năm, khi đưa hồ sơ đề nghị UNESCO phong tặng ngôi vị “di sản văn hóa phi vật thể” của thế giới, lại bị trả về, vì chưa đủ minh chứng: đây là sân khấu dân gian lâu đời và độc đáo duy nhất chỉ có ở làng quê Việt cổ truyền?
![]() Tiết mục Cá hóa Long |
Việt Nam đã có Luật Di sản văn hóa, đã có các cơ quan quản lý văn hóa, mà các di sản, nhất là văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các di sản về nghệ thuật biểu diễn sân khấu cổ truyền Việt… vẫn cứ bị rơi vào tình trạng bạc phai, mất mát, thậm chí mất bản thể quý giá nhất là hồn vía của chúng, nét hoa văn hóa dân tộc của Việt Nam? Vậy thì phải làm sao?
Hai
Tôi nhớ năm 1984, lần đầu, Đoàn nghệ thuật sân khấu dân tộc Việt Nam, gồm bốn loại hình truyền thống: Rối nước, Tuồng, Chèo, Cải lương đã “đem chuông đi đấm”... ròng rã hai tháng trời, ở Đức (cả hai nước Đức lúc đó), Bỉ, Pháp, Ý. Công chúng Tây Âu choáng váng nhất là rối nước Việt. Chỉ với mấy nghệ nhân nông dân của phường rối cổ Thái Bình, và hơn chục trò rối cổ, cùng hàng trăm con rối, nghệ thuật rối nước Việt đã dựng dậy cả một thế giới kỳ thú, lung linh huyền ảo trên mặt nước, tái hiện cuộc sống ngàn đời của người nông dân Việt đi cấy đi cày, hai sương một nắng trên những cánh đồng lúa bạt ngàn châu thổ Bắc bộ. Báo chí Tây Âu dành lời đẹp nhất cho rối Việt:
Múa rối nước, nghệ thuật dân gian, huyền thoại và kỳ ảo trên mặt nước. Sự phát hiện chói lòa về những con rối Việt Nam.
... Từ đồng bằng châu thổ sông Hồng đến thẳng nơi đây, những con rối nước Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử nghìn năm của chúng đang sống những cuộc phiêu lưu trong các bể nước nhỏ ở châu Âu... Tính dân gian và tính huyền thoại kết hợp với nhau trong những màn kịch ngắn được đệm theo bằng tiếng hát, bằng tiếng nhạc của bộ gõ nâng đỡ: một cuộc sống thần tiên, ngây thơ đang làm xáo động mặt nước đen tù túng (báo Thập Tự, Pháp, 10.3.1984). Và lời cảnh báo: Người châu Âu nên hiểu rằng không phải chỉ một mình châu Âu, mà ngoài châu Âu, còn có nhiều nền văn hóa khác.
Sau 1984, hàng năm, rối nước Việt liên tiếp xuất ngoại và bản đồ chinh phục đã mở rộng đến... nước Mỹ, ngay sau thời kỳ cấm vận.
Tôi ngờ rằng: người xem phương Tây đã phải lòng rối nước cổ truyền Việt Nam theo cái cách mà nhân loại văn minh từng được hân hoan trở về giấc mơ rực rỡ thời thơ ấu của mình, qua cây cầu văn chương là thần thoại Hy Lạp. Rối nước Việt Nam - có lẽ - chỉ sau thần thoại Hy Lạp, bằng sự hồn nhiên, ngộ nghĩnh, trong trẻo, ngây thơ, mang linh hồn đồng ruộng Việt Nam... đã tự nhiên thành nghệ thuật duy nhất trong cái thế giới đang già cỗi, đang đầy khủng hoảng tài chính này, vì chính nó đã bắc được cây cầu sân khấu, và một lần nữa, đưa nhân loại về bản nguyên thơ dại của mình...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Hồng, Chủ tịch UNIMA (Hiệp hội múa rối thế giới) của Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Múa rối truyền thống, sở hữu một bảo tàng múa rối nước tại gia, ở một ngôi làng cổ cách Hà Nội hơn 40km, sau gần nửa thế kỷ suy ngẫm về văn hóa Việt và rối nước Việt cổ, đã và đang rất ưu tư về nguy cơ mất hồn dân gian, dân tộc đã nhỡn tiền của rối nước cổ truyền. Theo ông, UNESCO có lý, vì hồ sơ rối nước đã không thể hiện được cốt lõi dân gian cổ truyền của chính rối nước Việt.
Những chương trình hiện đang biểu diễn ở các đô thị Việt Nam, kể từ sau 1984, hầu như không còn là rối nước cổ truyền. Thay vì phát huy, có nơi đã làm động thái phát triển, bằng cách thêm thắt cho rối cổ những cái mới: kịch bản, lời thoại (khi căn cơ nghệ thuật biểu diễn rối cổ hoàn toàn là sự xâu chuỗi các trò lẻ, không lời, chỉ thuần động tác của diễn viên là con rối gỗ), hơn nữa, lại thêm nếm hát chèo, nhạc chèo, tỷ lệ nhiều đến mức phá vỡ cấu trúc trò diễn và cái đẹp trong những động tác sân khấu của con rối gỗ, do người diễn viên đứng trong nước, sau bức mành, điều khiển, khiến người xem nhầm tưởng đây là sân khấu “rối - chèo”. Ấy là chưa kể có nơi như thành phố Hồ Chí Minh từng đưa cả người thật lội nước vào diễn chung với con rối ngay trong sân khấu nước, gây phản cảm. Và quanh đi quẩn lại, vẫn chỉ có hơn chục trò rối nước cổ, mà “pha loãng” ra, thí dụ trò lẻ cổ truyền: Long - Ly - Quy - Phượng, đã bị bẻ ra làm bốn, thành rồng phun nước, phun lửa, lân tranh cầu, rùa ngụp lặn... Nhân danh “chuyên nghiệp hóa”, “nâng cao, phát triển”, người ta đã vô tình đánh mất hồn rối nước cổ truyền. Vậy thì hồn vía này ở đâu? Cái đẹp nào bị mất? Nguyễn Huy Hồng cho rằng, hồn vía rối cổ gắn liền không gian văn hóa châu thổ sông Hồng, với nền văn minh lúa nước điển hình ở chính cái không gian lộng lẫy vẻ đẹp folklore này. Mất đi tương quan đó với không gian văn hóa gốc này của không gian văn hóa Việt, là rối nước mất hồn, mất luôn cả vẻ đẹp nguyên thủy tự thân.
Rối nước cổ truyền đích thực phải là rối nước nhà nghề cha truyền con nối, tồn tại hàng thế kỷ trong làng nghề truyền thống, trong các phường rối gia truyền của khắp các làng quê châu thổ Bắc bộ, như: Rối cổ Nguyên Xá (Thái Bình), Nam Chấn (Nam Định), Đào Thục (Hà Nội)... cùng hàng nghìn con rối được đẽo gọt công phu, chế tác tinh tế, sơn phết rực rỡ, với các thế hệ nghệ nhân rành nghề điều khiển con rối trên mặt nước ao làng. Những nghệ nhân lành nghề này hoàn toàn xứng với tên mà UNESCO đặt cho họ: báu vật sống của nghệ thuật rối nước cổ truyền Việt. Từ bàn tay tài hoa của họ chế tác và điều hành, đã tỏa sáng cái đẹp của rối nước, vốn nằm trong các động tác ngây thơ, ngộ nghĩnh của con rối khi ẩn khi hiện trên mặt nước phản chiếu lung linh, diễn tả sinh động cuộc sống ruộng đồng của người dân quê Việt.
Sân khấu rối nước liên lạc hữu tình với cảnh quan sinh thái nhân văn của làng Việt cổ truyền, với lũy tre xanh ngàn năm thân mật bao quanh không gian sống êm đềm của người nông dân Việt, với những con đường làng nức thơm hoa bưởi hoa xoan, với mặt nước ao làng hiền hòa, bình yên, nổi lên giữa ao là nhà thủy đình - buồng trò rối nước độc đáo.
Vì thế, rối nước đích thực là nghệ thuật của ao làng. Sẽ chỉ tìm thấy bản thể đặc sắc của rối nước, nếu đặt nó vào khung cảnh văn hóa vùng châu thổ sông Hồng rộng lớn, với hàng chục nơi chốn có mặt rối nước gia truyền: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Thanh Hóa, Sơn Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, với hội làng xuân thu nhị kỳ, đến hẹn lại lên, đậm đặc không khí lễ hội nông nghiệp truyền thống.
Từng nhiều năm điền dã hàng chục tỉnh châu thổ sông Hồng, tận mặt khoảng 30 phường rối nước dân gian, nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Hồng thống kê được 600 trò rối cổ, và lọc ra 250 trò độc lập, không trùng lặp. Đây đích là rối cổ vàng ròng, phải được khai thác, thanh lọc, xếp loại, đánh giá, đặng tìm đặc trưng rối nước Việt cổ. Tiếc rằng, ông đã không thể làm công việc này một mình. Song, vẫn lụi cụi một mình như thế, sau ba đầu sách được khẳng định bằng giải thưởng Nhà nước 2006, và vẫn tiếp tục ra sách về rối nước hàng năm, ông dùng toàn bộ số tiền thưởng 60 triệu đồng, tiếp tục ra sách nữa. Đáng chú ý nhất là công trình khá hoành tráng: Diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu dân gian, NXB Thế Giới, 2006 và Tìm hiểu nghệ thuật biên kịch rối, NXB Sân Khấu, 2007, Nghệ thuật rối dân gian Việt Nam (giải thưởng văn học nghệ thuật thủ đô 2011)…
“Diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam” có lẽ là công trình nghiên cứu đầu tiên đã chiếu một cái nhìn tổng thể - cái nhìn nội soi văn hóa: đặt sân khấu Việt vào bối cảnh văn hóa văn minh nông nghiệp lúa nước cổ truyền Việt. Từ đó, tác giả tìm kiếm những tiền đề văn hóa tất yếu của nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt vốn dĩ chỉ được hình thành trong lòng văn hóa Việt. Nguyễn Huy Hồng hiểu rằng, chỉ có thể nghiên cứu sân khấu Việt cổ truyền với cách tiếp cận duy nhất bằng văn hóa, mới có thể tìm ra con đường hình thành, vận động, bảo tồn và phát huy bản thể văn hóa của nghệ thuật sân khấu truyền thống: từ diễn xướng dân gian đến một nền sân khấu dân gian mang tính chuyên nghiệp riêng, theo đúng cách Việt Nam. Theo cách này, sân khấu truyền thống Việt đã phát lộ vẻ đẹp riêng của mỹ học dân gian truyền thống trong từng loại hình: Rối cổ, Chèo cổ, Tuồng cổ, Cải lương… thật đặc sắc. Công trình này của Nguyễn Huy Hồng, quả là rất có ý nghĩa công cụ cho người nghiên cứu sân khấu, và đối với người đọc, gây thêm lòng yêu mến đối với sân khấu cổ truyền như một đặc sản của nghệ thuật dân gian nước nhà.
Và công trình này còn là tấm lòng “thủy chung như nhất” trong ứng xử văn hóa của tác giả đối với sân khấu cổ truyền Việt Nam, nhất là với sân khấu rối nước cổ truyền, đã được chứng thực trong suốt nửa thế kỷ qua… Sân khấu Việt hôm nay, đặc biệt là các loại hình truyền thống, mà nguy cơ mai một đã nhỡn tiền, đang cần lắm những cử chỉ ứng xử văn hóa đích đáng như thế.