Điển hình trường hợp bệnh nhân N.X.T (51 tuổi) có tiền sử mỗi ngày hút hết 1 bao thuốc lá, đến khám sau biểu hiện đau vùng má 3 tháng.
Khai thác thông tin, lúc đầu người bệnh T thấy xuất hiện đau vùng má trái, đau tăng khi ăn nhai nên nghĩ rằng mình bị cảm lạnh do về khuya và uống thuốc cảm cúm. Nhưng sau 2 ngày không đỡ lại xuất hiện thêm biểu hiện ngạt mũi trái kèm theo xì mũi lẫn máu.
Tin rằng bản thân bị viêm mũi xoang nên đã mua thuốc tại hiệu thuốc gần nhà và được tư vấn về uống thuốc chữa viêm mũi xoang cấp bằng kháng sinh, kháng viêm, xịt mũi chống ngạt. Sau uống, người bệnh thấy các niểu hiện có xu hướng giảm nên yên tâm uống thuốc 1 tuần.
Sau khi dừng thuốc được 2-3 ngày, các biểu hiện như đau má trái, chảy mũi ngạt tắc mũi và xì mũi lẫn máu xuất hiện trở lại, thậm chí nặng hơn kèm theo tê bì vùng má trái.
Người bệnh tiếp tục ra hiệu thuốc và được sử dụng lại đơn cũ kết hợp thêm một thuốc kháng sinh, tuy nhiên lần này các biểu hiện không thấy giảm mặc dù đã điều trị kéo dài sang tuần thứ 3. Cho đến khi mức độ đau tăng dần đồng thời má bên trái sưng dần và tạo thành một khối cứng chắc, bệnh nhân mới đi khám bệnh.
Sau khi được bác sĩ hỏi chi tiết về các biểu hiện, diễn biến của bệnh, người bệnh T được nội soi Tai Mũi Họng và phát hiện có khối sùi xuất phát từ khe giữa, có giả mạc, hoại tử chảy máu từ khối.
Đồng thời, được bác sĩ tư vấn siêu âm vùng cổ đánh giá hạch cổ, chụp cắt lớp vi tính mũi xoang, bấm sinh thiết khối sùi làm giải phẫu bệnh. Kết quả người bệnh được chẩn đoán: Ung thư biểu mô tế bào vảy, sừng hóa xoang sàng hàm giai đoạn 2.
Người bệnh đã được phẫu thuật lấy bỏ khối u và hóa xạ trị sau phẫu thuật. Sau 6 tháng điều trị tình trạng của bệnh nhân đã ổn định, được hẹn khám và theo dõi định kì.
Những dấu hiệu giúp phát hiện sớm ung thư sàng hàm
PGS.TS Bác sĩ Phạm Thị Bích Đào chỉ ra, những biểu hiện giúp phát hiện sớm và phân biệt bệnh ung thư sàng hàm với các bệnh lí lành tính như viêm mũi xoang như sau:
- Người bệnh thường trên 50 tuổi, có tiền sử hút thuốc hoặc làm việc trong môi tường bụi gỗ, da dộng vật…
- Bệnh biểu hiện 1 bên bao gồm đau nhức mũi má 1 bên, tê bì mặt 1 bên, ngạt tắc mũi và chảy mũi lẫn máu lờ lờ máu cá 1 bên, có thể kèm theo đau tai, chảy nước mát, đau nhức ổ mắt và đau răng cùng bên
- Có thể nhìn đôi, nhìn mờ
- Hạch cổ có thể xuất hiện cùng bên đau má, đau đầu hoặc cả hai bên.
Với những biểu hiện này cần đi khám ngay tại các cơ sở Tai Mũi Họng. Cụ thể khám thấy:
- Má sưng, nề chắc, thâm nhiễm da mặt trước xoang hàm
- Sờ vùng má đau cảm giác tê bì hơn má bên đối diện
- Răng hàm dưới lung lay, có ổ hoại tử xương
- Soi mũi xoang thấy có thể có dịch bẩn lẫn máu lờ lờ máu cá, khối vùng vách mũi xoang sùi, loét, hoại tử, có thể bị polip mũi che lấp.
- Siêu âm hạch cổ thấy có hạch mất cấu trúc xoang hạch
- Chụp cắt lớp mũi xoang có cản quang: hình ảnh khối u đè đẩy, giãn rộng, phá hủy các cấu trúc xương, xâm lần xương hàm dưới, các vách mũi xoang, xâm lấn ổ mắt thậm chí xâm lấn nội sọ.
- Sinh thiết xác định chẩn đoán: Ung thư biểu mô tế bào vảy, không sừng hóa, ung thư biểu mô tuyến vảy, ung thư biểu mô tế bào vảy dạng đáy…
Xử trí:Tùy thuốc vào giai đoạn và bản chất khối ung thư mà tiến hành phẫu thuật kết hợp hóa xạ trị.
Tùy vào phương pháp cũng như tình trạng cơ thể mà việc điều trị có thể dẫn đến một vài tác dụng phụ như suy giảm hệ miễn dịch, mệt mỏi, rụng tóc hay buồn nôn.
Thời gian điều trị ung thư xương thường kéo dài từ vài tháng đến một năm, phụ thuộc vào giai đoạn và loại khối u.
Yếu tố thuận lợi gây ung thư: Được cho là do đột biến gen liên quan tới thói quen sinh hoạt và môi trường sống như hút thuốc, sống nơi nhiều khói bụi ô nhiễm, tiếp xúc với tia xạ…
Tiên lượng sống: Bệnh nhân ung thư xương hàm phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ bệnh, tuy nhiên so với khối u ác tính ở các vùng khác của cơ thể thì ung thư xương hàm có tiên lượng tốt hơn đặc biệt là ở giai đoạn chưa bị lan rộng.
Người bệnh vẫn phải tiếp tục theo dõi và kiểm tra sau khi được chữa trị để sớm phát hiện khi có các dấu hiệu tái phát xảy ra.