Thừa Thiên Huế:

Ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh

- Thứ Năm, 05/08/2021, 06:29 - Chia sẻ
Lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt phòng, chống dịch tuyệt đối không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác. Thường xuyên bố trí, phân công lực lượng chia ca hoạt động 24/24 giờ, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào địa bàn tỉnh, đấu tranh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Đó là một trong những yêu cầu được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh trong những chuyến thực địa, kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh này.

Lực lượng công an làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên đỉnh đèo Hải Vân, địa phận Thừa Thiên Huế

Nhiều kịch bản cho khu cách ly

Dù cơ bản kiểm soát chặt, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao, hiện hữu. Ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời điểm hiện tại đã ghi nhận hơn 66 ca F0 chủ yếu là người dân trở về từ vùng dịch bằng các phương tiện cá nhân, tất cả được sàng lọc, cách ly ngay từ các trạm kiểm soát.

Trước tình hình đó, Sở Y tế đã tổ chức lấy mẫu tầm soát tại các vùng trọng điểm, các địa phương cấp huyện. Theo đó, tập trung lấy mẫu là các hộ gia đình gần các chốt kiểm soát y tế, tiểu thương chợ đầu mối, nhân viên cây xăng, nhân viên quán ăn…

Toàn tỉnh hiện đã cách ly hơn 12.000 công dân ở 38 khu cách ly tập trung cấp tỉnh, cấp huyện và dịch vụ, trong đó có hơn 10.000 công dân trở về từ vùng dịch. Đại tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, để vận hành các khung, đơn vị đã huy động tất cả lực lượng hiện có để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Các khu hậu cần cũng đã có phương án điều chỉnh phù hợp; đồng thời đang tiến hành xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cho những khó khăn tiếp theo.

Hiện nay, lực lượng các đơn vị chức năng phải phân bổ khắp các khung, túc trực liên tục nên nguồn nhân lực hiện tại mỏng. Vì vậy phải cần sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương. Ông Cường đề nghị cần lưu tâm cách vận hành tại các khu cách ly bởi vẫn chưa khoa học, hiệu quả vẫn chưa cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao lây chéo ở các khu cách ly, chốt kiểm soát y tế…

Tại địa bàn một số huyện như Phú Vang, A Lưới, thị xã Hương Trà… các khu cách ly cấp xã cũng đã được vận hành. Ngoài cơ sở vật chất, nhân lực, các khu cách ly cấp xã bảo đảm yêu cầu từ vòng trong, vòng ngoài, sẵn sàng tiếp nhận người dân về cách ly tại địa phương. Kịch bản cao hơn, khi các khu cách ly này quá tải, sẽ tiếp tục kích hoạt các khu cách ly ở các trường tiểu học, kịch bản cao hơn cũng sẽ sử dụng nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng làm nơi cách ly.

Tính phương án có bệnh viện dã chiến

Dù đã lên rất nhiều kịch bản, nhưng theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19  tỉnh Thừa Thiên Huế, tùy tình hình để có giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn. Bằng mọi giá, vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm đời sống người dân, nhất là tại những nơi cách ly, duy trì sản xuất kinh doanh. Song song với đó, nghiên cứu chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, nhất là các trường hợp “xe dù” chở người dân từ vùng dịch trở về địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho rằng, hiện nay, tỉnh đang thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, hiện hữu. Chính vì vậy, chính quyền địa phương phải quyết liệt hơn, hạn chế một số hoạt động tập trung đông người chưa cấp thiết trên địa bàn tỉnh, nhằm hạn chế cao nhất nguy cơ lây nhiễm nếu bùng phát dịch bệnh.

Ông Lê Trường Lưu cũng đã đề nghị lực lượng phải kiểm soát chặt nguồn dịch, nhất là kiểm soát người về từ vùng dịch. Trong đó, yêu cầu Sở Y tế tiếp tục tổ chức tầm soát diện rộng tại các điểm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Tổ chức kiểm soát, giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly tại nhà, buộc phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch.

Lực lượng địa phương phải nắm chắc địa bàn, nếu có trường hợp về địa bàn phải nắm bắt, giám sát ngay. Tiếp tục quán triệt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Tăng cường quản lý tại các khu cách ly, tránh lây nhiễm chéo, bảo đảm các quy trình theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời nghiên cứu, sẵn sàng các kịch bản ứng phó mới mức độ cao nhất, trong đó phải tính đến phương án hình thành bệnh viện dã chiến.

Ông Lưu cũng kêu gọi toàn dân cùng chung sức phòng chống dịch, bằng cách mọi người dân phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K”, chung tay, hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại địa phương “có sức góp sức, có lương thực, thực phẩm góp lương thực, thực phẩm...”.

Nói thêm về công tác phòng, chống dịch, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đề nghị các địa phương toàn tỉnh tăng cường kiểm tra, điều phối một số hoạt động tập trung đông người như đám cưới, đám tang… Tất cả phải thông qua chính quyền, bảo đảm giãn cách và không có khách mời ngoại tỉnh. Ông Phương cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương tăng cường xuống hiện trường để tuyên truyền cho bà con Nhân dân về các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn; đồng thời phải bảo đảm an toàn tại các khu cách ly. Nếu để xảy ra tình trạng vi phạm quy định phòng, chống dịch tại địa phương và trong khu cách ly thì Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm hoàn toàn trước lãnh đạo tỉnh.

Phấn đấu 92% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021

Ngày 31.7.2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021, với mục tiêu chung là phòng chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và cho cộng đồng. Cụ thể, phấn đấu 92% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021, được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên tiêm theo 16 nhóm đối tượng trong Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8.7.2021.

UBND tỉnh giao cho các địa phương chủ động lập kế hoạch tổ chức tiêm các đối tượng trên địa bàn quản lý. Tùy theo số lượng vaccine được phân bổ để bố trí điểm tiêm, bàn tiêm tại bệnh viện huyện, trạm y tế xã, phường bảo đảm hoàn thành sớm nhất và an toàn tiêm. Riêng với công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp tùy theo yêu cầu và tình huống cụ thể có thể thành lập các điểm tiêm lưu động và triển khai hình thức cuốn chiếu. Khi tiêm ở khu công nghiệp nào thì phối hợp giữa đội tiêm lưu động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế huyện.

Theo Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế, đến cuối năm 2020, dân số toàn tỉnh là 1.136.550 người, trong đó số người 18 tuổi trở lên là 810.701. Thời điểm hiện tại, tỉnh đang triển khai tiêm vaccine AstraZeneca lần lượt cho các đối tượng nguy cơ cao trong cộng đồng và đã tiêm được 35.585 mũi.

Minh An