Ứng phó với đại dịch trong tình hình mới

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 21:25 - Chia sẻ
Chiều 17.9, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức tọa đàm khoa học nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, làm cơ sở tập hợp kiến nghị để đề xuất các giải pháp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh trong tình hình mới.

Cho đến nay đại dịch Covid-19 đã hoành hành trên thế giới và Việt Nam gần 2 năm, gây hậu quả nặng nề, đặc biệt tỷ lệ tử vong cao chưa từng thấy trong lịch sử, với số ca mắc gần 300 triệu người và tử vong gần 4,7 triệu (Việt Nam gần 650 nghìn ca mắc, gần 16 nghìn tử vong). Thế giới và Việt Nam vẫn đang tiếp tục đề ra các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất để mở cửa trở lại. Khẩu trang - phong tỏa - giãn cách xã hội - vaccine - thuốc chống virus ở các nước phát triển, và chiến lược 5K+vaccine ở nước ta đang từng bước khống chế, tiến tới dập dịch.

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội Lê Quân, ứng phó với đại dịch Covid-19 giờ đây không đơn thuần là nhiệm vụ của riêng ngành y tế (lực lượng tuyến đầu chống dịch) mà cần sức mạnh tổng hợp, cần giải pháp phối hợp đồng bộ của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau. Trong bối cảnh đó, tọa đàm mong muốn nghe ý kiến đánh giá và tư vấn của các chuyên gia, nhà khoa học về tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, đặc biệt là các bài học rút ra từ đợt dịch thứ 4 ở trong nước; các bài học chống dịch thành công của quốc tế. Trên cơ sở nhận định các điểm yếu và bài học đó, đề xuất định hướng chiến lược, các giải pháp để ứng phó với dịch trong tình hình mới ở nước ta.

Theo Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân, ứng phó với đại dịch Covid-19 giờ đây cần sức mạnh tổng hợp, cần giải pháp phối hợp đồng bộ của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội

Sống chung nhưng phải an toàn

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, chuyên gia y tế, mô hình dịch Covid-19 tại Việt Nam như mô hình của thế giới thu nhỏ. Việt Nam đang có nhóm tỉnh, thành phố không có ca bệnh hoặc số ca bệnh rất thấp như các tỉnh miền núi phía Bắc, một số tỉnh đồng bằng sông Hồng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… Các tỉnh có số mắc duy trì vài chục ca mỗi ngày như Hà Nội, Đà Nẵng, một số tỉnh miền Trung… Các tỉnh có số mắc cao đi đôi với việc có số tử vong nhưng ở mức thấp, hệ thống y tế chưa bị quá tải như các tỉnh khu vực đồng bằng Nam Bộ, một số tỉnh Tây nguyên. Các tỉnh có số mắc cao, hệ thống y tế quá tải, có số ca tử vong cao như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Trước thực trạng như vậy, Việt Nam đã có nhiều cách làm phù hợp hơn. Nếu như trước đây mục tiêu của Việt Nam là không có ca Covid-19 trong cộng đồng thì hiện nay chúng ta đưa ra mục tiêu là sống chung với Covid-19. “Sống chung ở đây không có nghĩa là buông xuôi, không có nghĩa là thả lỏng để cho dịch bệnh bùng phát không kiểm soát được. Sống chung nhưng phải an toàn, khống chế số mắc và số tử vong thấp nhất có thể, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội của người dân”, PGS.TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

PGS.TS. Trần Đắc Phu cũng cho rằng, tiêm chủng là vấn đề vô cùng quan trọng để thực hiện được chung sống với dịch Covid-19. Tuy vậy, tiêm vaccine phải đạt được miễn dịch cộng đồng ở phạm vi quốc gia.

Quan tâm nhân lực và hạ tầng về hồi sức cấp cứu

Với thực trạng diễn ra ở nước ta hiện nay, ngoài các biện pháp đang thực hiện có hiệu quả, theo GS.TS.TTND. Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược, ĐHQG Hà Nội, cần quan tâm đến nhân lực và hạ tầng về hồi sức cấp cứu nhằm giúp phòng, chống dịch chủ động, hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài. Cụ thể, Nhà nước cần có chính sách cụ thể để thu hút người có tài, có tâm vào lĩnh vực này; đào tạo thường xuyên, liên tục cho nhân lực ngành y nói chung và chuyên ngành hồi sức cấp cứu, phòng dịch nói riêng, để bảo đảm việc cập nhật kiến thức phụ vụ chuyên môn và hội nhập khu vực và thế giới.

Cùng với thành lập các khu cách ly và hồi sức tập trung, việc nâng cấp, và bổ sung trang thiết bị y tế tiêu chuẩn, phương tiện phụ trợ cho các bệnh viện hạng 2, 3 và đào tạo cầm tay chỉ việc cho nhân viên y tế tại các bệnh viện này bằng hình thức trực tuyến - Tele ICU, các chuyên gia về hồi sức cấp cứu, Bệnh nhiệt đới, Phòng dịch cùng một lúc có thể hội chẩn các ca bệnh khó, hướng dẫn xử trí cho nhân viên ở các bệnh viện tuyến dưới sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển tuyến không cần thiết gây quá tải cho tuyến trên, cũng như làm tăng lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung, tăng nguy cơ rủi ro thở máy ở các bệnh viện giã chiến tập trung nhiều bệnh nhân thở máy.

Cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường

Về đề xuất chính sách kinh tế ứng phó với dịch bệnh, PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, cho biết, theo chỉ số đánh giá kiểm soát dịch bệnh của Bloomberg (BRS - Bloomberg Resilience Score) Việt Nam đã tụt hạng xuống thứ 50 trên thế giới (tháng 8) trong xếp hạng các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt. Chính vì vậy, các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới cần bảo đảm tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn.

Cụ thể, ưu tiên bảo toàn nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi: các nguồn lực cần được ưu tiên là sức khỏe của người dân, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực nhằm tạo sự ổn định và phát triển nền kinh tế (bảo đảm sức khỏe tài chính của doanh nghiệp; sự ổn định của hệ thống ngân hàng - tài chính; duy trì chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế; bố trí, sử dụng hiệu quả lực lượng lao động tại các doanh nghiệp) và duy trì niềm tin của người dân. Kiên trì theo các mục tiêu này và có những bước đi kiên quyết và đúng đắn sẽ giúp quốc gia kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch Covid-19.

Các phân tích và đánh giá kinh nghiệm quốc tế được thực hiện trên phần đánh giá các chính sách vận dụng bao gồm các chính sách vĩ mô (chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách thương mại), các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và việc làm, bảo vệ người lao động, chính sách an sinh xã hội về sử dụng đối thoại xã hội giữa Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động.

Các đại biểu cũng đề xuất giải pháp chuyển đổi số ứng phó với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới; tổ chức tư vấn tâm lý nhằm hỗ trợ cộng đồng ứng phó với đại dịch; đào tạo nhân lực nghiên cứu phục vụ phòng, chống tại Việt Nam…

Đỗ Vũ