Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Ứng Hòa phát triển toàn diện "tam nông"

- Thứ Ba, 28/09/2021, 06:58 - Chia sẻ
Thời gian qua, những kết quả đạt được trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ứng Hòa. Từ tiền đề này, huyện tiếp tục đặt mục tiêu phát triển toàn diện "tam nông". Trong đó, tập trung chuyển dịch nông nghiệp theo hướng hiện đại, tăng cường liên kết nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập của người dân khu vực nông thôn.

Diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày

Với việc triển khai, phổ biến, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM, đến nay, diện mạo nông thôn của huyện Ứng Hòa đã có nhiều khởi sắc; đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Toàn huyện đã có 28/28 xã đạt chuẩn NTM và hiện đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM cấp huyện trong năm nay. 

Mô hình trồng rau công nghệ cao tại huyện Ứng Hòa
Mô hình trồng rau công nghệ cao tại huyện Ứng Hòa

Trong đó, sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ, người dân áp dụng nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung. Điển hình như: Chuỗi sản xuất giống lúa mới chất lượng cao tại một số xã liên kết với hợp tác xã Đoàn Kết từ khâu cung ứng giống, phân bón đến thu mua thóc tươi tại ruộng; mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Hòa Phú trồng một giống lúa với quy trình sản xuất đồng bộ cho năng suất, chất lượng và giá bán cao. Hay mô hình trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại xã Sơn Công. Từ 5ha thí điểm nay đã mở rộng diện tích lên gần 30ha và được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Dương Hồng Điệp khẳng định, diện mạo nông thôn trên địa bàn khởi sắc từng ngày. Thể hiện rõ nhất là từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 300km đường liên xã, liên thôn được đầu tư thảm nhựa, đổ bê tông; 56km đường trục nội đồng kết hợp kênh mương tưới tiêu được cải tạo, nâng cấp. Đồng thời, lắp đặt mới 117km đường dây điện trung thế, hạ thế và cải tạo 234km đường dây điện trung thế, hạ thế khác. Nhờ đó, đã đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân năm 2021 ước đạt 52,4 triệu đồng/người.

Những năm qua, được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, trình độ sản xuất của nông dân trong huyện có nhiều tiến bộ. Công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65,17%; công tác hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và người nghèo được bảo đảm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Tiến Hoàng, huyện đã xây dựng, sửa chữa 1.099 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, công tác quy hoạch, chuyển đổi mô hình sản xuất, mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư xây dựng có những chuyển biến rõ nét cũng tạo tiền đề quan trọng để người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn huyện đã có  3.749 hộ thoát nghèo, số hộ nghèo chỉ còn 37. 

Hướng đến phát triển bền vững

Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong xây dựng và phát triển NTM, tuy nhiên, huyện Ứng Hòa cũng thẳng thắn đánh giá còn nhiều hạn chế cần khắc phục để nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự phát triển bền vững. Trong đó, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác tuy đã tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, phân tán, hiệu quả sản xuất chưa cao; việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi còn chậm. Bên cạnh đó, sản xuất tập trung mới chủ yếu là các sản phẩm thô, chưa qua chế biến, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị bền vững. Hầu hết sản phẩm nông sản chưa được chế biến, bảo quản, dán nhãn mác hàng hóa; giá trị sản phẩm còn thấp, giá bán bấp bênh, chưa có tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các vùng chuyên canh cây trồng; vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung đã được hình thành nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng (đường giao thông nội đồng, kênh mương, các cơ sở sơ chế, chế biến...) còn hạn chế. Diện tích nuôi trồng thủy sản tuy đã hình thành các vùng tập trung tương đối lớn nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quy trình giản đơn. Việc áp dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản còn kém đa dạng, mới chỉ dừng ở công đoạn xử lý môi trường nước. Đặc biệt, việc liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ thủy sản, các sản phẩm từ thủy sản chưa có.

Xác định được những hạn chế đó, Ứng Hòa đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa có quy mô lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Từng bước chuyển dịch nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, cung ứng sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Chú trọng phát triển các sản phẩm cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh của huyện. Ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ nông nghiệp như: Thu mua, chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp theo mô hình hợp tác xã để bảo đảm quyền lợi của nông dân.

Huyện cũng đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.

_______________________

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

 

Khánh Duy