Ủng hộ việc trường đại học vẫn triển khai xét tuyển sớm, nhưng chỉ tiêu có kiểm soát

TS Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bày tỏ ủng hộ, đồng tình với đề xuất các cơ sở giáo dục đại học triển khai xét tuyển sớm nhưng chỉ tiêu có kiểm soát, đảm bảo các phương thức xét tuyển sớm được thực hiện để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non được Bộ GD-ĐT công bố cuối tháng 11.2024, đang trong quá trình xây dựng, xin ý kiến để hoàn thiện.

Quy chế mới sẽ được áp dụng từ mùa tuyển sinh năm 2025, được kỳ vọng sẽ thay đổi, hạn chế các bất cập hiện nay trong công tác tuyển sinh.

Đặt ra yêu cầu để trường đại học phải tính toán lại phương thức, tổ hợp xét tuyển

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, TS Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết một trong những điểm mới của Dự thảo là về tổ hợp xét tuyển (đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn) phải gồm ít nhất 3 môn, trong đó phải có Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm; số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm; nếu sử dụng kết quả học tập thì phải sử dụng kết quả cả năm lớp 12.

Bên cạnh đó là điểm mới về phương thức tuyển sinh, khi điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức phải quy đổi tương đương về một thang điểm chung; điểm mới về tổ chức xét tuyển sớm: chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành, số thí sinh được thông báo trúng tuyển không được vượt chỉ tiêu đã công bố; điểm chuẩn xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển chung.

Một điểm mới đáng chú ý khác là về xét tuyển và xử lý nguyện vọng theo kế hoạch chung. Cụ thể, đối với một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm xét quy đổi tương đương, không phân biệt phương thức.

TS Nguyễn Văn Thiện nhìn nhận, tinh thần của Dự thảo là các cơ sở giáo dục đại học vẫn triển khai xét tuyển sớm, nhưng chỉ tiêu có kiểm soát, đảm bảo các phương thức xét tuyển sớm được thực hiện để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, phục vụ cho mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Đồng thời, điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức phải quy đổi tương đương về một thang điểm chung, điểm chuẩn xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển chung.

“Nếu thực hiện được việc này sẽ đảm bảo công bằng hơn so với trước đây, do đó cá nhân tôi rất đồng tình và ủng hộ”, TS Nguyễn Văn Thiện nói.

z6136060190847-abbaf8182f1061dea2f815086e8d6e52.jpg
TS Nguyễn Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Cũng theo TS Nguyễn Văn Thiện, các điểm mới trong Dự thảo, đặc biệt là về tổ hợp xét tuyển (đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn) đã đặt ra những yêu cầu để các cơ sở giáo dục đại học phải tính đến các môn học và môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, tính toán lại phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển theo kế hoạch chung. Trong đó, ưu tiên chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.

TS Nguyễn Văn Thiện cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần nghiên cứu kỹ Dự thảo và góp ý cho Bộ GD-ĐT để đảm bảo rằng Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non được sửa đổi khi ban hành có thể áp dụng “ổn định”, tránh các bất cập.

Các trường đại học cần lên tiếng nhiều hơn trước khi Quy chế ban hành chính thức

Trước đó, tại Toạ đàm về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT luôn cầu thị, lắng nghe vì mục tiêu tốt hơn cho cả hệ thống.

Những năm qua, những lần sửa đổi Thông tư dù lớn hay nhỏ đều xin ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, thầy cô trực tiếp đào tạo, quản lý nhiều năm có kinh nghiệm để bàn bạc, đưa ra những điều tối ưu nhất. Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của xã hội với nhiều ràng buộc, Thứ trưởng cho rằng, công tác tuyển sinh vẫn cần thay đổi, hạn chế các bất cập bởi có tác động lớn trực tiếp đến các trường và thí sinh, nhất là trong bối cảnh tự chủ hiện nay.

z610383947232888e362883abd995c880a6ed70641ef97.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Toạ đàm về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức

Theo Thứ trưởng, việc nhìn nhận và có điều chỉnh về “xét tuyển sớm” là rất cần thiết để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh.

Về vấn đề điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, Thứ trưởng cho rằng cần quy về thước đo chung này. Dù quy đổi được là điều không dễ, nhưng vẫn cần phải bàn.

Thứ trưởng khẳng định, tuyển sinh của đại học, cao đẳng tác động rất lớn tới quá trình học ở giáo dục phổ thông. Việc có quy định chặt chẽ hơn về xét tuyển học bạ, nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12 cũng là hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh ứng tuyển. Nếu chỉ xét đến 5 học kỳ ở cấp THPT mà bỏ qua học kỳ hai của lớp 12 sẽ khiến cho nhiều em chủ quan và không tập trung học tốt đều các môn. Điều này sẽ rất khó khăn cho các em sau này khi vào đại học.

“Ngoài ra, chúng ta cần đo được năng lực, khả năng học tập của thí sinh phải phù hợp và đáp ứng yêu cầu của từng ngành/chương trình đào tạo. Chúng ta cần xác định quan điểm làm thế nào để công tác tuyển sinh đơn giản hóa, thuận lợi nhất cho các trường nhưng không được vi phạm những nguyên tắc chung của giáo dục, đó là công bằng, bình đẳng, chất lượng”, Thứ trưởng yêu cầu.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, công tác tuyển sinh tác động đến rất nhiều đối tượng liên quan, vì vậy việc Dự thảo nhận được nhiều ý kiến đồng thuận là điều đáng mừng.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, đây cũng là thời điểm Bộ GD-ĐT mong muốn các trường đại học cần lên tiếng nhiều hơn, để cùng với Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông, để thống nhất cho Dự thảo thông tư lần này trước khi ban hành chính thức trong thời gian tới.

Giáo dục

Tư vấn tuyển sinh năm 2025: Ngành Giáo dục Mầm non và Tiểu học vì sao hot ?
Giáo dục

Tư vấn tuyển sinh năm 2025: Ngành Giáo dục Mầm non và Tiểu học vì sao hot ?

Vai trò của giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học là nền tảng quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc gia. Đây cũng ngành học mà Khoa Giáo dục Sớm và Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đang chú trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục. 

Phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam trong bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng nền văn hóa dân tộc
Giáo dục

Phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam trong bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng nền văn hóa dân tộc

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là ngọn đuốc soi sáng con đường văn hóa cách mạng, không chỉ mang tính định hướng, mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc và ý chí đấu tranh kiên cường cho độc lập, tự do. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, cần phát huy các giá trị lâu dài của Đề cương trong bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Các trường đại học yêu cầu sinh viên mặc trang phục lịch sự
Giáo dục

Các trường đại học yêu cầu sinh viên mặc trang phục lịch sự

Môi trường đại học không bó buộc sinh viên trong các bộ đồng phục, mà được phép ăn mặc theo phong cách, sở thích cá nhân. Do quá thoải mái dẫn đến đến tình trạng nhiều sinh viên áp dụng cách ăn mặc không phù hợp với môi trường sư phạm, vô tình biến giảng đường thành... "sàn diễn thời trang".

TP. Hồ Chí Minh: Trường tiểu học tổ chức kiểm tra cuối kỳ 1 không chia phòng, đánh số báo danh
Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Trường tiểu học tổ chức kiểm tra cuối kỳ 1 không chia phòng, đánh số báo danh

Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) yêu cầu các trường tiểu học (công lập và ngoài công lập) tổ chức kiểm tra cuối kỳ 1 không đổi chéo giáo viên trong khối thực hiện công tác giám thị, không thực hiện chia phòng và đánh số báo danh để giảm áp lực thi cử cho học sinh, phụ huynh.