Ứng dụng công nghệ thông tin lắng nghe đánh giá của giáo viên

- Thứ Tư, 13/10/2021, 16:43 - Chia sẻ
Bộ GD-ĐT cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn hai năm qua đã giúp theo dõi, đánh giá sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong cả hệ thống giáo dục. Từ đó, xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng sát thực tế hơn với từng tỉnh, từng huyện, từng trường và từng cá nhân.
Cán bộ, giáo viên trao đổi về đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp trên hệ thống TEMIS 

Thực hiện chủ trương chuyển đổi số, Bộ GD-ĐT đang nỗ lực tin học hóa công tác quản lý giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Việc ban hành và triển khai Thông tư 14 và Thông tư 20 từ năm 2018 là cơ sở để giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá trên cơ sở minh chứng minh bạch.

Cụ thể, trên Hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông (TEMIS), hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chuẩn như: Phẩm chất nghề nghiệp, quản trị nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục, phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội, sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Giáo viên được đánh giá dựa trên 5 tiêu chuẩn gồm: Phẩm chất nhà giáo, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực xây dựng môi trường giáo dục, phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục.

Sau hai năm triển khai cho thấy, giáo viên được đánh giá theo chuẩn một cách công khai, minh bạch, chính xác. Cô Trần Thị Kiều Oanh, Trường THCS Thị Trấn Trà Cú (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ, các tiêu chí đánh giá trên TEMIS sát thực tế nên kết quả đánh giá là đáng tin cậy. Ngoài ra, việc lưu hồ sơ minh chứng trên hệ thống trực tuyến đầy đủ, dễ truy cập; từ đó mỗi người theo dõi được xu hướng phát triển năng lực chuyên môn của bản thân để có kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phù hợp, đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, địa phương và ngành Giáo dục. Tuy nhiên, cô Thúy cũng thừa nhận, ban đầu giáo viên có gặp một vài khó khăn khi tải minh chứng, nhưng sau có đội ngũ cốt cán của huyện nhiệt tình tư vấn nên đã thành thạo hơn.

Không chỉ giáo viên mà nhiều bên liên quan được thụ hưởng lợi ích từ hệ thống. Bản thân các trường nắm được tổng thể năng lực của cán bộ quản lý và giáo viên, từ đó có cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển năng lực đội ngũ, tăng cường quản lý bằng công nghệ thông tin. Thầy Nguyễn Thế Lực, Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Nghệ An đánh giá, hiện nay TEMIS rất hay và phù hợp cho công tác quản lý. Hệ thống này cũng giúp các phòng GD-ĐT có thể nhìn ra những tiêu chí còn hạn chế để có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, cán bộ quản lý.

“Chúng tôi hy vọng hệ thống này sẽ tiếp tục được sử dụng lâu dài, liên thông với các dữ liệu liên ngành. Bên cạnh đó, ngoài bậc phổ thông, nếu có thể mở rộng nhóm đối tượng tham gia hệ thống là giáo viên và cán bộ quản lý bậc mầm non thì sẽ thuận tiện hơn trong công tác đánh giá”, thầy Lực kiến nghị.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Lê Thị Kim Anh, chuyên gia tư vấn của Ban quản lý Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), Bộ GD-ĐT khẳng định, hiện nay, TEMIS được Bộ GD-ĐT áp dụng tạm thời là phiên bản 1.0 do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel hỗ trợ miễn phí. Theo lộ trình, hệ thống này được liên thông và bổ sung cho hệ thống cơ sở dữ liệu ngành đã được Bộ GD-ĐT triển khai gần đây.

TS. Lê Thị Kim Anh ghi nhận thời gian đầu, việc tải minh chứng đánh giá lên hệ thống TEMIS gặp một số khó khăn, nhưng đến nay giáo viên đã sử dụng thành thạo và rất thuận tiện. Do đó, năm 2020, 57/63 Sở GD-ĐT hoàn thành công tác đánh giá, đến năm 2021, 63/63 Sở GD-ĐT đang và đã triển khai nhuần nhuyễn công tác đánh giá trên TEMIS.

“Sang năm thứ 2 thực hiện, công việc đã giảm tải, thuận lợi hơn rất nhiều đối với giáo viên, chỉ bao gồm việc cập nhật các minh chứng mới để cập nhật hồ sơ giáo viên. Do đó, giáo viên không nên ngại đánh giá trên TEMIS mà về lâu dài, cần nhìn nhận việc xây dựng hệ thống TEMIS sẽ giúp quản lý hồ sơ đầy đủ hằng năm, bảo đảm minh bạch, cập nhật dễ dàng, tránh phải lưu giữ hồ sơ in, gây lãng phí, mất nhiều công sức. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh như Covid-19 kéo dài ở nhiều địa phương, kết quả trên TEMIS thực sự giúp các cơ quan quản lý lắng nghe đánh giá của giáo viên về các chương trình bồi dưỡng, để có điều chỉnh phù hợp hơn trong công tác giảng dạy, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới”, TS. Lê Thị Kim Anh khẳng định.

Minh Vân