Hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện dành cho ngành nông nghiệp
Hiện nay, Thái Nguyên có trên 22,2 nghìn ha chè, năng suất đạt 127 tạ/ha, sản lượng đạt 272,8 nghìn tấn/năm, dẫn đầu cả nước về sản xuất chè (chiếm 18,3% diện tích và 24% sản lượng chè búp tươi của cả nước). Sản lượng chè qua chế biến đạt trên 54,6 nghìn tấn/năm.
Trên địa bàn tỉnh có 62 công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, 168 hợp tác xã (HTX), 251 làng nghề truyền thống, với trên 91.000 hộ làm chè. Trong chế biến chè đã ứng dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu; một số doanh nghiệp, HTX, cơ sở đã ứng dụng công nghệ tự động hóa, đa dạng hóa sản phẩm.
Tại cuộc họp, đại diện VNPT đã giới thiệu về giải pháp chuyển đổi số ngành chè Thái Nguyên trên nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số VNPT Green. Đây là một hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện dành cho ngành nông nghiệp, có các cấu phần minh bạch trong bức tranh tổng thể, kết nối các chủ thể từ nông dân, HTX, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước và thị trường…
Giải pháp này tập trung vào 7 nội dung: xây dựng vùng chè tập trung; nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo môi trường thúc đẩy đầu tư chế biến chuyên sâu; xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên; tăng cường liên kết chuỗi giá trị; ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; phát triển thị trường và xuất khẩu.
Theo đó, sẽ sử dụng VNPT Green để số hóa vùng trồng chè, cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn, hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất chè tại Tân Cương, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương; giám sát quy trình sản xuất và hỗ trợ đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP; sử dụng dữ liệu từ VNPT Green để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu.
Đồng thời, quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên với các thông tin minh bạch về nguồn gốc, chất lượng và chứng nhận sản phẩm, tích hợp các chỉ dẫn địa lý, hình ảnh vùng chè đặc sản; cảnh báo sớm và hỗ trợ nông dân đối phó với thời tiết cực đoan; tăng cường tiêu thụ chè qua sàn thương mại điện tử VNPT Green, mở rộng thị trường...
Lộ trình triển khai chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 số hóa và cấp mã số vùng trồng (quý I, quý II.2025). Giai đoạn 2 chuẩn hóa quy trình và phát triển chuỗi giá trị (quý III.2025 đến quý I.2026). Giai đoạn 3 mở rộng và tối ưu hóa (quý II đến quý IV.2026).
Đại diện VNPT cam kết trọn đời không thu phí sử dụng của người dân. Đối với các doanh nghiệp, HTX trước mắt được sử dụng miễn phí, khi có hiệu quả, lợi nhuận sẽ thực hiện thu phí phù hợp...
Sớm ứng dụng VNPT Green trong sản xuất chè
Đa số đại biểu tại cuộc họp cho rằng, ứng dụng VNPT Green trong sản xuất chè là cần thiết và nên sớm triển khai. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những hộ nông dân gặp khó khăn trong áp dụng công nghệ số vào sản xuất chè. Vì vậy, để triển khai ứng dụng này, các cấp, ngành cần tích cực hướng dẫn người dân và có giải pháp tăng cường nhân lực trẻ cho các HTX...
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thái nguyên Nguyễn Huy Dũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối trao đổi, thảo luận với VNPT để cụ thể hóa nội dung này thành kế hoạch cụ thể và báo cáo UBND tỉnh.
Sau khi kế hoạch được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VNPT ký kết hợp tác triển khai nội dung, trong đó xác định rõ dữ liệu đưa lên phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo và thành lập bộ phận thường trực, giúp việc để thực hiện giải pháp này, định kỳ hàng tuần sẽ rà soát, giao ban, đánh giá hiệu quả triển khai, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.
Hoan nghênh tinh thần của VNPT trong việc không dùng ngân sách nhà nước và cam kết trước mắt không thu phí của người dân, doanh nghiệp, HTX khi triển khai VNPT Green tại Thái Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên kỳ vọng VNPT với vai trò doanh nghiệp có bộ máy tổ chức lớn mạnh và năng lực trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin sẽ đồng hành với tỉnh Thái Nguyên trong áp dụng hiệu quả các công nghệ số cho ngành chè Thái Nguyên.