Ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật
Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đã và đang đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Đó là khẳng định được đưa ra tại Hội nghị Tập huấn báo cáo viên pháp luật trong Quân đội năm 2025 khu vực miền Bắc, do Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 17 và 18.7 tại Hà Nội.
Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong toàn quân.

Các cấp ủy, chỉ huy đã thể hiện nhận thức đúng đắn về vai trò của PBGDPL, từ đó chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật trong toàn quân.
Thượng tướng cho biết, thời gian qua, toàn quân đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, thiết thực trong công tác PBGDPL; nhiều đơn vị giảm thiểu rõ rệt các hành vi vi phạm pháp luật, không để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
"Tuy nhiên, trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do dân, vì dân, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, cùng với yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đã và đang đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở" - Thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh.
Vì vậy, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác PBGDPL; thực hiện đầy đủ các quy định tại Thông tư số 42/2016/TT-BQP quy định về công tác PBGDPL trong Bộ Quốc phòng; cùng các kế hoạch của Bộ Quốc phòng về lĩnh vực này.

Các cơ quan, đơn vị cũng cần quan tâm đầu tư về mọi mặt để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL và vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Bên cạnh đó, phấn đấu mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội là một báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, thực hiện thắng lợi chủ trương Quân đội là lực lượng tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong chấp hành pháp luật Nhà nước và tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Đồng bộ, thực chất và lấy người dân làm trung tâm
Tại Hội nghị, TS. Vũ Hoài Phương, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã trình bày tham luận chuyên đề về trí tuệ nhân tạo và khả năng ứng dụng trong công tác PBGDPL trong Quân đội.
Theo TS. Phương, AI có thể hỗ trợ trong việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên, chuyển giọng nói sang văn bản, tạo nội dung tự động, phân tích hồ sơ pháp lý, dự đoán kết quả vụ án, phát hiện hành vi lừa đảo mạng và đặc biệt là hỗ trợ báo cáo viên soạn thảo tài liệu, xây dựng kế hoạch PBGDPL hiệu quả hơn.

Song, AI không thay thế báo cáo viên, tuyên truyền viên mà là công cụ đắc lực giúp mở rộng phạm vi, cải thiện chất lượng, tăng khả năng tiếp cận thông tin pháp luật. Tuy nhiên, việc sử dụng AI cũng có những rủi ro khi dữ liệu đầu vào không chính xác, sự chênh lệch về năng lực số ở vùng sâu, vùng xa, bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ và nguy cơ phụ thuộc vào nhà cung cấp công nghệ khi thiếu chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực này.
Còn theo báo cáo của lãnh đạo Cục PBGDPL và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), đến nay, 63/63 Sở Tư pháp có Cổng thông tin điện tử PBGDPL; nhiều địa phương vận hành trang pháp luật chuyên biệt, tổ chức thi trực tuyến, hội thảo pháp luật trên nền tảng số. Việc khai trương Cổng Pháp luật quốc gia ngày 31/5/2025 là một bước tiến lớn, tích hợp các dữ liệu pháp luật, tình huống, hỏi - đáp, phản ánh chính sách… và ứng dụng AI để giải đáp thắc mắc pháp luật nhanh chóng, chính xác.
Đặc biệt, với sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ như Viettel, trợ lý ảo pháp luật với khả năng cung cấp thông tin về hơn 20.000 văn bản pháp luật còn hiệu lực đã được phát triển, mở ra hướng đi mới cho việc số hóa kiến thức pháp luật phục vụ quân nhân và người dân.

Theo các đại biểu, để chuyển đổi số trong công tác PBGDPL thực sự hiệu quả, phải thực hiện đồng bộ từ nhận thức đến hành động; có chính sách, thể chế phù hợp và nguồn lực thỏa đáng. Việc đào tạo nguồn nhân lực số, ứng dụng AI, xây dựng nền tảng dùng chung, kết nối dữ liệu pháp lý phải được tiến hành nghiêm túc, bài bản, lấy người dân làm trung tâm, lấy quân nhân làm nòng cốt.
Theo đó, chuyển đổi số là quá trình tất yếu và lâu dài và lực lượng quân đội cần chủ động trong sử dụng công nghệ hiện đại, cụ thể hóa sát với từng đối tượng của cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm cho công tác tuyên truyền, PBGDPL thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.
Trong 2 ngày, các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được nghe giới thiệu 6 chuyên đề: Trí tuệ nhân tạo với công tác PBGDPL trong Quân đội; nội dung cơ bản Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; một số điểm mới của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật về quân sự, quốc phòng...