Tại buổi lễ, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) Nguyễn Đăng Sinh cho biết, theo kiến nghị của Hiệp hội, Chính phủ đã chọn ngày 29.11 hằng năm là ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái, nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp đối với công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
"Năm 2024, Hiệp hội tổ chức Kỷ niệm 20 năm thành lập đúng vào ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29.11). Vì vậy, sự kiện này vô cùng đặc biệt và có ý nghĩa thiết thực", ông Sinh cho biết và khẳng định: từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội luôn xác định, chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.
Sau 20 năm thành lập và hoạt động, Hiệp hội và các đơn vị trực thuộc đã từng bước khẳng định vị thế, uy tín của mình trong công tác phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt Nam - tạo dựng niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hiệp hội cũng chủ động góp ý, tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền: Tham gia góp ý cho các dự thảo Luật, các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và đề xuất các giải pháp, kiến nghị liên quan đến công tác giám định hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ; kiến nghị những giải pháp về kinh phí phục vụ công tác chống hàng giả, kinh phí tiêu hủy hàng giả...
Bên cạnh đó, Hiệp hội xác định, cần ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu trong thời đại công nghệ số.
Theo đó, Hiệp hội đã ra mắt phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và chống giả VatapCheckVN. Phần mềm thể hiện quy trình xác thực chống hàng giả - một giải pháp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa và chống giả điện tử.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Đức Đông, Phó văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết, số vụ việc phát hiện và xử lý về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ được phát hiện và xử lý tăng dần qua các năm.
Năm 2020 các lực lượng chức năng trong toàn quốc phát hiện và xử lý 3.641 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ trong tổng số 191.467 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chiếm tỷ lệ 1,9%.
Năm 2021 phát hiện xử lý 2.299 vụ/138.077 vụ buôn lậu, gian lận thương mại chiếm tỷ lệ 1,6%; năm 2022 là 3692 vụ/139.758 vụ (chiếm 2,6%).
Năm 2023 là 5.464 vụ/146.678 vụ (chiếm 3,7%); 9 tháng đầu năm 2024 là 4.301 vụ/103.680 vụ (chiếm tỷ lệ 4,1%).
Kết quả này thể hiện sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, lực lượng chức năng, cơ quan, tổ chức đoàn thể, hiệp hội ngành nghề trong đó có vai trò của VATAP.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề xuất một số giải pháp.
Cụ thể là tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (cụ thể những chính sách đã và đang thực hiện kể trên).
Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao chủ động công tác nắm tình hình, nhận diện những vấn đề nổi cộm phức tạp, xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung.
Tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc (về quy định của pháp luật, cơ chế phối hợp và các điều kiện khác), kiến nghị sửa đổi, bổ sung thay thế kịp thời, từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ số, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẵn có phục vụ mục tiêu chung chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền theo phương châm tăng cường về tần suất, đa dạng về hình thức đảm bảo nội dung, chất lượng tuyên truyền.
Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ năng lực cán bộ thực thi, bổ sung kinh phí hoạt động, trang bị phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chính sách an sinh xã hội để giải quyết công ăn việc làm cho cư dân biên giới, vùng sâu, vùng xa, hạn chế tối đa việc bị lợi dụng, lôi kéo vào buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả...
Ông đề nghị thời gian tới, VATAP phát huy hơn nữa vai trò tập hợp đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu; đại diện hội viên phối hợp với tổ chức kinh tế và các cơ quan chức năng liên quan để chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu; tích cực tham gia phản biện, xây dựng cơ chế chính sách, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cũng tại buổi lễ, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định, trải qua 20 năm thành lập và phát triển, Hiệp hội đã làm tốt nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết các hội viên trong công tác phát triển thương hiệu và đề xuất, kiến nghị với Nhà nước về các chủ trương, chính sách, biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp, hội viên.
Đến nay, Hiệp hội đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, từng bước khẳng định vị thế trong công tác tuyên truyền đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho doanh nghiệp, hội viên và quyền lợi của người tiêu dùng.