Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

- Chủ Nhật, 19/09/2021, 06:57 - Chia sẻ
Nhận thức về vai trò quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được triển khai thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nâng cao chất lượng để cạnh tranh

Sóc Trăng hiện có hơn 200 hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp. Hàng năm phát triển mới từ 15 - 20 HTX, đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Các HTX thành lập mới trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nội dung hoạt động của các HTX ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu, hỗ trợ cho thành viên tham gia như sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm theo tiêu chuẩn ViệtGRAP, GlobalGRAP. Hiện nay toàn tỉnh có 4 HTX được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể, 27 HTX ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGRAP, ASC. Trong đó có 18 HTX, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, 9 HTX nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGRAP. Đa số sản phẩm từ các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều có doanh nghiệp bao tiêu cho thành viên, điển hình trên các lĩnh vực lúa chăn nuôi, cây ăn trái, thủy sản đều cho hiệu quả kinh tế nhất định. Để sản phẩm hàng hóa cạnh tranh được trên thị trường, người sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu như sản xuất tập trung quy mô lớn, áp dụng khoa học kĩ thuật cao để tăng năng suất chất lượng sản phẩm, việc phát triển các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được xem là xu thế tất yếu khách quan để giải quyết vấn đề này.

Hiện nay, một số mô hình sản xuất tiên tiến đang được áp dụng phát huy hiệu quả cao như mô hình nuôi tôm lót bạt 2 giai đoạn, nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, cá chẽm, nuôi ao đất có hố xi phong, ao tròn lót bạt nổi. Toàn tỉnh có 678ha đất nuôi tôm mật độ cao với năng suất bình quân 30 tấn/ha. Khâu đào ao, cải tạo ao được cơ giới hóa 100%.

Công tác tuyên truyền khuyến cáo áp dụng các quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản VietGAP đã hỗ trợ 8 hợp tác xã, tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP. Nâng diện tích sản xuất áp dụng thực hành sản xuất tốt toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP 1.188,3ha.

Mô hình nuôi tôm trên bạt lót ứng dụng công nghệ cao mang lại năng suất cao

Tiếp tục nhân rộng các mô hình 

HTX Phước an, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành là một trong những HTX điển hình với những chuyển biến tích cực trong sản xuất, đặc biệt là ứng dụng những kỹ thuật tiến bộ cơ giới hóa để giảm bớt chi phí, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, tăng chất lượng sản phẩm, tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm nên giảm được 50 - 60kg lúa giống/1ha, cấy bằng máy cấy, phun thuốc bằng thiết bị không người lái, bón phân hữu cơ, thực hiện 3 giảm, 3 tăng. Nông dân trong HTX được tập huấn các kỹ thuật sử dụng thiết bị mới, cơ giới hóa trong khâu làm đất, lắp đặt các trạm quan trắc nước tự động giám sát mực nước, quan sát độ mặn, sâu rầy để kịp thời dự báo được dịch bệnh, Sử dụng thiết bị bay trong phun xịt thuốc, phân, giảm 2 - 3% mỗi vụ. Phương pháp canh tác tiến bộ này đã góp phần giảm đáng kể công lao động, lúa ít nhiễm sâu bệnh, giữ an toàn cho sức khỏe của người lao động và môi trường sinh thái xung quanh nên nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các thành viên. Anh Lâm Phương Tùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước An, xã Phú Tâm cho biết, từ khi áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, các thành viên trong HTX giảm được chi phí giá thành, lợi nhuận tăng hơn 30% so với trước đây. Toàn huyện Châu Thành hiện có 19 HTX, 88 tổ hợp tác đa số hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ. Ông Nguyễn Văn Hận, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành cho biết, từ mô hình điểm này, huyện sẽ hỗ trợ cho các HTX khác trong thời gian tới. 

  Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp từ điều kiện sinh thái thích hợp để phát triển nhiều loại cây con khác nhau. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng để lại những dấu ấn rõ nét thông qua các hợp đồng liên kết tiêu thụ thủy sản và lúa gạo, việc ứng dụng công nghệ cao nếu được triển khai mạnh mẽ hơn ở các HTX và tổ hợp tác trên toàn tỉnh sẽ mở ra rất nhiều cơ hội để sản phẩm Sóc Trăng đủ sức cạnh tranh cao ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam từng bước chinh phục các thị trường khó tính. 

Hiền Dung