UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ tổng kết bước 1 việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường: Nghệ thuật lãnh đạo của Đảng là hết sức uyển chuyển

Nguyễn Vũ lược ghi 19/09/2010 00:00

Việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại một số địa phương là bước thử nghiệm cần thiết, một bước đi thích hợp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Từ đó tìm ra những nét đặc thù của chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn làm cơ sở cho việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan nhà nước ở địa phương.

Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ tổng kết bước 1 việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, đối với vấn đề lớn, khó và hệ trọng, liên quan đến tổ chức hệ thống chính trị, ý kiến khác nhau là bình thường. Có như thế nào thì phản ánh đúng như thế. Đó là trách nhiệm chính trị.

PHÓ CHỦ TỊCH QH HUỲNH NGỌC SƠN: Có như thế nào thì phản ánh đúng như thế - đó là trách nhiệm chính trị

Ở góc độ thực tế, tôi tôn trọng Báo cáo của Chính phủ vì để xây dựng được Báo cáo này phải qua tổng kết bước 1 và trên cơ sở báo cáo của 10 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm.

Đà Nẵng là một trong 10 tỉnh, thành phố được chọn thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Là ĐBQH thành phố Đà Nẵng, qua tiếp xúc cử tri và giám sát, nhìn chung, cử tri đánh giá rất tốt chủ trương này. Trong kiến nghị, huyện Hòa Vang và các đơn vị thuộc huyện xin thôi không tổ chức HĐND cấp huyện nữa.

Suy nghĩ thứ hai, tôi thấy, trong việc thực hiện thí điểm này không xảy ra việc gì xấu hơn so với khi còn HĐND cũng là một kết quả rồi, rất đáng trân trọng.

Trong quá trình thí điểm, dứt khoát cái đang có mà bớt đi thì như vết thương trên cơ thể, nhất định có tâm tư. 

Sắp tới như thế nào? Chính phủ đưa ra 2 phương án, đại đa số tiếp tục thí điểm trong 10 tỉnh, thành phố, không mở rộng nữa. Nếu thí điểm thì thí điểm đến bao giờ? Nếu một năm, hai năm nữa mà nó vẫn tốt như thế này thì thế nào? Đề nghị cứ đưa ra QH thảo luận, chứ bây giờ nó tốt, mình bảo xấu thì không được. Có như thế nào thì phản ánh đúng như thế. Đó là trách nhiệm chính trị.

CHỦ TỊCH HĐDT K’SOR PHƯỚC: Có mô hình nào hơn mô hình HĐND không?

Thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện đã được đưa ra từ cuối Khóa VII Trung ương, chuẩn bị cho Đại hội VIII. Tỉnh ủy các địa phương bàn rất sâu sắc nhưng chưa ngã ngũ. Tại Đại hội Trung ương VIII có bàn, Quốc hội Khóa X giai đoạn cuối cũng bàn một lần. Có 2 vấn đề tôi không thể quên, một là Đảng viên làm kinh tế tư nhân cũng được bàn rất lâu, đến Khóa IX mới kết luận được. Hai là thí điểm không tổ chức HĐND, vấn đề này cũng được bàn rất lâu. Bộ Chính trị chỉ đạo phải rất thận trọng vì đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc cơ bản của học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền. Không nên từ một điều cá biệt mà phủ định toàn bộ. Phải cân nhắc rất kỹ. Xin trình bày theo 3 quan điểm:

Quan điểm thứ nhất, tôi tin chắc là tất cả chúng ta ngồi đây ai cũng thống nhất về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây là nguyên tắc khi bàn đến chuyện muốn xóa hay không xóa HĐND. Đã gọi là chính quyền thì phải có quyền lực. Đã là quyền lực theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là phải bị giám sát và kiểm soát. Quyền lực không bị giám sát và kiểm soát thì sẽ tự nhiên tha hóa và trở thành bộ máy cai trị, xa rời nhân dân. Vấn đề đặt ra là có mô hình nào hơn không so với mô hình của HĐND để kiểm soát, giám sát quyền lực? Đối với Hiến pháp và pháp luật, tôi thấy chưa có mô hình nào hơn để kiểm soát quyền lực.

Quan điểm thứ hai là ở Việt Nam hiện nay phải chăng cứ có cấp hành chính nào thì có cấp quyền lực đó hay không? Đối với địa phương, có phải gắn với 3 cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã bắt buộc phải có cơ quan giám sát, kiểm soát quyền lực không? Trong 3 cấp đó, cấp nào có quyền lực mạnh nhất, hiệu lực nhất và gắn bó trực tiếp nhất với quyền lợi hàng ngày của nhân dân trên phạm vi rộng nhất, có tính chung nhất của địa phương? Rõ ràng đó là cấp tỉnh. Theo phương pháp loại trừ, cấp tỉnh phải có HĐND, còn cấp huyện, cấp xã phải cân nhắc.

Đối với cấp huyện, có phải cứ cấp này thì ở mọi nơi phải giống nhau không? Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đặt vấn đề chính quyền đô thị, tôi thấy rất đáng chú ý. Nhưng, cấp quận khác với cấp huyện, nếu bắt quận và huyện giống nhau về mô hình, nhiệm vụ, quyền hạn thì có phải không? Đây là điều cần mổ xẻ. Theo tôi chưa nên vội vàng xóa HĐND ở cấp nào đó khi chưa thấy được bản chất của vấn đề.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH LÊ QUANG BÌNH: Hình như lùi

Thời gian thí điểm chưa nhiều, làm tròn là một năm. Trong một năm đó, nếu đánh giá bỏ HĐND thì việc thực hiện quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân được tăng cường ở những đơn vị thí điểm; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước ở nơi thí điểm tốt hơn trước; tiết kiệm được ngân sách Nhà nước... là chưa đủ cơ sở khoa học.

Xin phân tích một điểm là hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước tốt hơn, quyền làm chủ tốt hơn khi không còn HĐND cấp huyện. Không thể đánh giá như vậy được vì như Bác Hồ nói, nước ta là nước dân chủ, có nghĩa là người dân được làm chủ. Nhưng từng người dân không tự mình làm chủ được mà thông qua lá phiếu của mình để cử ra một người là đại biểu HĐND hoặc ĐBQH để thay mặt mình thực hiện quyền làm chủ ở cơ quan Nhà nước. Bây giờ, trong một cấp chính quyền bỏ HĐND, nhưng lại nói là được tăng cường thì tăng cường cái gì? Tăng cường ở chỗ ĐBQH hoặc đại biểu HĐND cấp tỉnh xuống giám sát ở cấp huyện? Luận giải này không logic. Ở chừng mực nào đó, khi không tổ chức HĐND cấp huyện, thiết chế dân chủ có chỗ nào đó hình như lùi, chứ không phải tăng cường.

Có ý kiến cho rằng, bộ máy Nhà nước hiện nay cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả không cao, không thông suốt, kỷ luật hành chính không nghiêm. Theo tôi, nên nghiên cứu tổng kết toàn diện hoạt động của bộ máy nhà nước. Nếu HĐND hình thức thì Mặt trận có hình thức không? QH ở chừng mực nào? Đối với đơn vị hành chính cũng thế? Với thiết chế quản lý nhà nước như hiện nay có được không, có phải bỏ cái gì không? Bỏ HĐND nhưng UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các hệ thống như Mặt trận, đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... vẫn để nguyên. Như thế là khập khiễng.

Đề nghị tiếp tục thí điểm ở 67 huyện, 32 quận, 483 phường ở 10 tỉnh như hiện nay. Thời gian thí điểm có thể là 2 năm, thêm 1 năm nữa mới tiến hành tổng kết. Đồng thời nghiên cứu toàn diện tổng kết hệ thống và cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước hiện nay gắn với thể chế chính trị để có chủ trương toàn diện.

Nếu nói sửa đổi Hiến pháp để bỏ HĐND thì phải sau Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới. Có ý kiến đề xuất, tới đây sửa ngay Hiến pháp, tôi thấy không có thời gian. Hơn nữa, sửa Hiến pháp là thủ tục đặc biệt, không phải như sửa các luật khác.

CHỦ NHIỆM UỶ BAN TÀI CHÍNH VÀ NGâN SÁCH PHÙNG QUỐC HIỂN: Khi không tổ chức HĐND cấp huyện, UBND cấp huyện tiếp cận với Nghị quyết của huyện ủy như thế nào?

Đối với việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, có lẽ Chính phủ nên có nhận định, đánh giá sát hơn.

Bây giờ, chúng ta cứ nói, khi bỏ HĐND cấp huyện, quyết sách của chính quyền cùng cấp sinh động hơn. Xin thưa, để biết tất cả quyết sách đó có đúng hay không thì phải có thời gian. Có thể quyết định của anh thông qua năm nay nhưng 3 năm sau mới biết đúng hay sai. Không thể quyết đầu năm và cuối năm bảo đúng. Cần thận trọng với nhận định này.

Khi không còn HĐND, chúng ta nói rằng, tinh giảm bộ máy biên chế, tiết kiệm được ngân sách. Xin thưa, không phải đâu. Dự toán ngân sách đối với quản lý hành chính vẫn tăng. Anh giảm của HĐND cấp huyện thì sẽ tăng tiền của huyện ủy, HĐND và UBND lên, làm sao tiết kiệm được vì tổng số không thay đổi.

Xin không tiếp cận ở góc độ lý luận về Nhà nước pháp quyền mà tiếp cận ở góc độ vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong hệ thống chính trị sự lãnh đạo của Đảng là hạt nhân, nghệ thuật lãnh đạo của Đảng hết sức uyển chuyển, từng cấp một đều thể hiện hết sức uyển chuyển. Vậy thì khi bỏ HĐND cấp huyện, vai trò lãnh đạo của huyện ủy, của Đảng bộ cấp huyện này với chính quyền như thế nào? Vì tôi đã từng là Bí thư huyện ủy và Chủ tịch HĐND, nên nhiều khi tôi làm việc với UBND với vai Bí thư huyện ủy, nhưng có lúc trong vai Chủ tịch HĐND. Và có những vấn đề nghị quyết của huyện ủy đưa ra không phải là trực tiếp cho UBND thực hiện mà phải thông qua HĐND để ý Đảng, lòng dân là một. Sự nhuần nhuyễn trong Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ là ở góc độ như thế. Tại sao chúng ta đang có một công cụ rất hay là HĐND các huyện mà lại tính chuyện bỏ đi? Chủ tịch HĐND, các Ban của HĐND đang giám sát, giúp hoạt động của UBND chặt chẽ và đúng pháp luật hơn rất nhiều. Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta có muốn để HĐND mạnh không? Và đặt trong sự lãnh đạo của Đảng thì vấn đề là sử dụng công cụ HĐND ở từng cấp như thế nào cho hợp lý.

Khi không tổ chức HĐND cấp huyện thì UBND cấp huyện tiếp cận với Nghị quyết của huyện ủy như thế nào? Ngay cả vấn đề kiểm tra, không phải hoạt động nào của huyện ủy cũng sử dụng Ủy ban kiểm tra để kiểm tra UBND mà phải thông qua ý kiến của huyện ủy. Huyện ủy truyền đạt cho HĐND và HĐND giám sát, kiểm tra UBND, chứ không phải lúc nào cũng sử dụng công cụ kiểm tra của Đảng. Nếu bỏ HĐND làm cho sự lãnh đạo của Đảng mạnh hơn, thực hiện đúng chủ trương, đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo của Đảng thì cần xem xét. Còn, nếu thấy rằng, phải để HĐND để bảo đảm sự lãnh đạo tốt hơn của Đảng ở cấp huyện thì phải tính.

TRƯỞNG BAN DÂN NGUYỆN TRẦN THẾ VƯỢNG: Tại sao HĐND được đặt ra ngay từ ngày đầu có Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa?

Nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, tôi cảm tưởng, nếu bây giờ viết các nội dung này cho tất cả HĐND các cấp thì cũng không có gì sai, chứ không riêng đối với những nơi thực hiện thí điểm. Vì thứ nhất tính đại diện và quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn huyện, quận được bảo đảm và phát huy. Chẳng lẽ không có HĐND thì các quyền này được phát huy. Sự tham gia của nhân dân trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước huyện, quận, phường được bảo đảm. Tại sao ở thành phố thuộc tỉnh lại không được bảo đảm nếu ta bỏ nốt cả HĐND ở thành phố thuộc tỉnh?

Nhưng xin thưa, người ta rất không hài lòng ở chỗ bỏ HĐND thì mọi thứ đều tăng, giám sát tăng, kiến nghị tăng, giải quyết tốt hơn, nhanh gọn hơn... Mỗi năm đỡ được 85 tỷ đồng. Đấy mới là có mấy huyện, nếu bỏ cả HĐND tỉnh nữa chắc chắn phải được nhiều. Hiệu lực cũng tốt hơn. Như vậy, lâu nay HĐND huyện, quận, phường là một sự cản trở cho hoạt động của UBND? Cản trở đến mức bây giờ công dân gặp chính quyền thuận lợi hơn. Lâu nay, hễ người dân định gặp chính quyền, gặp UBND là đại biểu HĐND, HĐND gây cản trở? Như vậy là thế nào? Một câu hỏi đặt ra: cản trở như thế tại sao HĐND được đặt ra từ ngày đầu có Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, hơn 60 năm nay?

Một vấn đề nữa, rất nguy hiểm nếu đánh giá, trong lúc khủng hoảng tài chính kinh tế, nhiều địa phương khó khăn nhưng mấy anh mà bỏ HĐND này đều tăng trưởng, đều phát triển. Rõ ràng HĐND huyện, quận, phường là một anh rất nguy hiểm. Tôi cho rằng, cần viết như thế nào để bảo đảm tính khách quan vì cuối cùng chỉ tập trung vào 2 phương án là bỏ ngay hoặc tiếp tục thí điểm ở diện rộng hơn.

PHÓ CHỦ TỊCH UB TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM NGUYỄN VĂN PHA: Giám sát của Mặt trận khác với giám sát của HĐND

Tôi nhất trí với Báo cáo thẩm tra sơ bộ do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Thuận trình bày liên quan đến phần lúng túng, hình thức trong công tác của Mặt trận ở những nơi thí điểm không tổ chức HĐND. Có ý kiến cho rằng, khi không còn HĐND cấp huyện, Mặt trận lên ngôi, mọi việc giám sát chuyển hết cho Mặt trân.

Tôi không cho là như vậy. Giám sát của Mặt trận khác với giám sát của HĐND. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước, giám sát của HĐND là giám sát mang tính quyền lực nhà nước. HĐND được quyền đình chỉ, được quyền bãi bỏ, còn giám sát của Mặt trận là giám sát của một tổ chức chính trị - xã hội mang tính nhân dân. Mặt trận giám sát chỉ có quyền kiến nghị. Thực tế, trong triển khai nhiệm vụ giám sát khi không còn HĐND, chúng tôi cũng lúng túng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ tổng kết bước 1 việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường: Nghệ thuật lãnh đạo của Đảng là hết sức uyển chuyển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO