"U Phương" - nữ bác sĩ nặng lòng với cô đỡ thôn bản

"U Phương" là biệt danh thân thuộc mà cán bộ y tế vùng cao cùng các cô đỡ thôn bản khắp mọi miền Tổ quốc đặt cho Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Phương, chuyên gia của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế). Với mong muốn "không ai bị bỏ lại phía sau", không nề hà vất vả, tháng này qua năm khác, nữ bác sĩ ấy vẫn âm thầm lặng lẽ, tận tâm, tận lực với nghề, mang kiến thức của mình truyền đạt cho các cô đỡ vùng sâu, vùng xa.

Từ hành trình "bén duyên"...

Giản dị, chân thành và gần gũi, đó là cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với Bác sĩ Bùi Thị Phương. Dáng vẻ cao gầy, nụ cười thân thiện cùng bước chân thoăn thoắt di chuyển nhanh trên những đoạn đường đèo dốc để đến từng hộ gia đình; hiếm ai nghĩ rằng, nữ bác sĩ ấy đã ngoài 60 tuổi rồi. Sinh sống tại Hà Nội nhưng khắp mọi miền Tổ quốc, nơi đâu có cô đỡ thôn bản, nơi đó có dấu chân của “U Phương”.

IMG_20240929_175006.jpg
Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Thị Phương tại lớp cập nhật kiến thức cho cô đỡ thôn bản tại Yên Bái. Ảnh: Hải Yến

Từng là giảng viên giảng dạy tại Đại học Y Thái Nguyên, rồi chuyển về phụ trách môn Hộ sinh tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, cô đã tham gia đào tạo hộ sinh cao đẳng theo Dự án của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) hỗ trợ Bộ Y tế; thế nhưng, chỉ khi nghỉ hưu vào năm 2017, cô mới có thể "toàn tâm, toàn ý" tham gia và bắt đầu "bén duyên" gắn bó với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cũng như công tác đào tạo cho cô đỡ thôn bản.

Với những trăn trở sâu sắc về tình trạng khó khăn tại tuyến y tế cơ sở vùng cao; về tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh cũng như những ca băng huyết, tiền sản giật - những tình huống nguy kịch mà các y, bác sĩ nơi đây đang phải đối mặt hàng ngày; bác sĩ Phương hiểu rằng, vai trò của cô đỡ thôn bản là vô cùng quan trọng.

IMG_20240929_175032.jpg
Bác sĩ Bùi Thị Phương giới thiệu Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em
cho các cô đỡ thôn bản tại Yên Bái. Ảnh: Hải Yến

Nhiều người ở vùng cao không nghe hiểu được tiếng Kinh, nếu đi đến bệnh viện cũng phải có người phiên dịch. Đây là lý do tuyển chọn cô đỡ thôn bản phải là người ở chính địa phương đó, nói cùng ngôn ngữ, sinh hoạt cùng với người dân, hiểu biết về văn hóa, về hoàn cảnh gia đình để tuyên truyền và chăm sóc sức khỏe hiệu quả. Bởi thế, cô luôn dành tấm lòng thật đặc biệt với những người phụ nữ làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

... Tới những lớp học đầu tiên

Xúc động nhớ lại buổi giảng dạy đầu tiên, bác sĩ Phương chia sẻ: "Ngày xưa, khi nghe mọi người nói về đào tạo các cô đỡ, trong trí tưởng tượng của mình, các cô là đối tượng rất khó đào tạo. Khi dạy lớp đầu tiên ở Hà Giang, Sơn La, được tiếp cận với các cô đỡ, thấy họ rất rụt rè, ít nói, mình đã mạnh dạn tìm mọi cách để họ cởi mở hơn".

Vậy là trong những bữa ăn trưa tại lớp học, bác sĩ Phương đã cùng ăn, cùng uống, cùng tâm sự với các cô đỡ; như được "cởi tấm lòng", họ đã không ngần ngại chia sẻ với cô về các phong tục sinh đẻ tại đồng bào mình. Chẳng hạn, dân tộc Mông khi sinh đẻ, người chồng hoặc người nhà ôm đằng sau đỡ cho sản phụ; hay tập quán sinh đẻ của người Thái cũng khác so với các tộc khác ở tư thế đẻ ngồi... Rồi cả "cái lý" của người Mông, phụ nữ sinh con xong luôn nằm bên bếp lửa đỏ rực để giữ ấm cơ thể, xua đuổi tà ma...

Những câu chuyện như vậy, càng khiến bác sĩ Phương thấu hiểu sâu sắc về cuộc sống, phong tục tập quán của các cộng đồng dân tộc. Từ đó, bác sĩ Phương luôn cố gắng tìm những cách tiếp cận phù hợp để truyền đạt kiến thức một cách gần gũi và hiệu quả nhất. Chẳng hạn, thay vì chỉ giảng lý thuyết, sẽ cho họ đóng vai, thực hành lại các tình huống. Điều này giúp họ ghi nhớ và vận dụng tốt hơn. Bởi theo bác sĩ, "người ta nghe hiểu tiếng Kinh đã khó, phải làm thế nào để người ta không chán, không bỏ giữa chừng".

IMG_20240929_175038.jpg
Bác sĩ Bùi Thị Phương cùng cô đỡ thôn bản Mùa Thị Cu. Ảnh: Hải Yến

Để có thể đến gần hơn với từng "học trò" nhỏ của mình, nữ bác sĩ đáng kính ấy còn đặt cho họ những biệt danh thân thuộc như "Trưởng thôn" hay "Bộ trưởng Bộ Ngoại giao"... tùy theo tính cách, thế mạnh của từng cô đỡ. Có lẽ vì thế mà bất cứ cô đỡ nào khi gặp lại, đều trao cho "U Phương" những cái ôm thật ấm áp và thân tình.

Những "học trò" đáng nhớ

Trong suốt hành trình "cầm tay chỉ việc" đó, U Phương luôn lắng nghe và đồng cảm với những khó khăn mà các cô đỡ phải đối mặt.

"Có những chị em phải đi 30km mới ra tới trạm y tế, đường xá hiểm trở. Nhiều chị chưa được tập huấn lần nào trong suốt 20 năm. Họ quá tâm huyết với nghề nhưng cuộc sống lại quá khó khăn", cô trăn trở.

IMG_20240929_174956.jpg
Bác sĩ Bùi Thị Phương cùng cô đỡ thôn bản Mùa Thị Cu thăm gia đình sản phụ tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Ảnh: Hải Yến

Tại các thôn bản có cô đỡ, hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã được kiểm soát tốt. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành, các cô đỡ thôn bản đã thành công đỡ đẻ an toàn cho nhiều sản phụ; phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cơ bản và chuyển tuyến kịp thời cho nhiều trường hợp.

Chia sẻ về những ấn tượng của mình về các cô đỡ thôn bản, cô Phương nhớ mãi Y Teh - cô đỡ thôn bản tại làng Kon Gung, xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, (tỉnh Kon Tum), với 15 năm gắn bó cùng công việc. Y Teh là con út trong gia đình đông anh chị em, bị tật bẩm sinh ở bàn chân trái, đi lại rất khó khăn nhưng cô đỡ ấy vẫn cần mẫn, miệt mài với sứ mệnh của mình. Mỗi lần có những ca trở dạ vào ban đêm, Y Teh đi lại rất vất vả, thậm chí phải nhờ người nhà chở đến để khám, đỡ cho sản phụ. "Cô ấy có uy tín đến mức khi vận động bà mẹ đến cơ sở y tế, họ chỉ đi khi có cô ấy đi cùng", cô Phương nói.

IMG_20240929_175040.jpg
Bác sĩ Bùi Thị Phương cùng cô đỡ thôn bản Mùa Thị Cu thăm gia đình sản phụ tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Ảnh: Hải Yến

Cô đỡ Hờ Thị Nhứ tại bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cũng khiến vị bác sĩ ấy nhớ mãi. Cô đỡ trẻ đã đỡ đẻ thành công 2 lần cho sản phụ có tiền sử băng huyết sau sinh. Ở lần mang thai thứ hai, dù Hờ Thị Nhứ đã vận động, thuyết phục rất nhiều lần cho sản phụ đi đẻ ở trung tâm y tế nhưng gia đình vẫn nhất quyết không cho sản phụ đi. Với những kiến thức được học từ "U Phương", cô đỡ trẻ vùng cao ấy đã cấp cứu thành công cho sản phụ bằng các phương pháp chuyên môn được đào tạo như ép động mạch chủ bụng...

Hay cô đỡ Mùa Thị Cu, 24 tuổi, dân tộc Mông tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu mà bác sỹ Phương hay gọi với biệt danh thân thương "Bộ trưởng Bộ Ngoại giao" cũng là người "học trò" xuất sắc, khi cứu chữa kịp thời cho một bé trai bị đẻ rơi dọc đường.

... cùng những trăn trở về y tế vùng cao

Say mê kể chuyện với chúng tôi về Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) - người được coi là "cha đẻ" của cô đỡ thôn bản; U Phương cho biết, "điều mà cô Ngọc Phượng trăn trở khi đó là tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh còn rất cao ở các tỉnh miền núi, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Việc làm thế nào để giảm tỷ lệ tử vong cho các bà mẹ nơi đó là điều mà cô và các cộng sự đặc biệt quan tâm. Vì thế, từ những năm 1990, Bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức đào tạo thí điểm tại Lâm Đồng và Ninh Thuận cho những học viên đầu tiên thuộc các dân tộc Nùng, M'Nông, Tày, Khmer, S'tiêng…"

Từ những thành công bước đầu, Bệnh viện Từ Dũ đã phát triển thành "Chương trình đào tạo 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số". Dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng; các học viên được đào tạo 6 tháng tại bệnh viện về chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ, trẻ em sơ sinh, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe phụ nữ, trẻ em…

"Khi đó, các cô đỡ đã làm rất tốt, nhiều cô đến nay vẫn miệt mài cống hiến cho công việc. Được đào tạo bài bản là thế; nhưng lúc bấy giờ, các cô đỡ thôn bản lại chưa được chính thức công nhận là nhân viên y tế, nên không được hưởng chế độ lương, bảo hiểm. Điều này khiến nhiều cô đỡ phải bỏ nghề để tìm việc khác, nhằm bảo đảm cuộc sống", bác sĩ Phương chia sẻ.

ths-bs-bui-thi-phuong-chuyen-gia-san-phu-khoa-cua-bo-y-te-lam-giang-vien-lop-dao-tao1-3368.jpg
Bác sĩ Bùi Thị Phương cập nhật kiến thức cho các cô đỡ thôn bản tại Quảng Bình.
Ảnh: CDC Quảng Bình

Những năm gần đây, Bộ Y tế đã có những nỗ lực giải "bài toán" này và Thông tư 27/2023/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản; được xem là "lời giải" ban đầu.

"Mặc dù vậy, đến nay, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ kinh phí cho các cô đỡ thôn bản", bác sĩ Phương trăn trở.

May mắn thay, một số tổ chức, doanh nghiệp lớn đã bắt đầu quan tâm và hỗ trợ trực tiếp cho đội ngũ cô đỡ. Trong đó, phải kể đến sự vào cuộc tích cực của Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup; Quỹ hỗ trợ đào tạo, trang bị phương tiện và quan trọng nhất là trả lương trực tiếp cho các cô đỡ, khi họ thực hiện những công việc như khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh. Điều này giúp họ yên tâm phần nào để cống hiến và gắn bó lâu dài với nghề.

"Mình rất cảm phục những cô đỡ tâm huyết với nghề. Dù cuộc sống khó khăn, họ vẫn miệt mài bên bà mẹ, trẻ em. Mình mong muốn có thêm nhiều dự án hỗ trợ, để họ có thêm nguồn thu nhập ổn định, yên tâm gắn bó với công việc" - cô Phương nói.

Không chỉ tận tâm giảng dạy cho các cô đỡ thôn bản, "U Phương" cũng luôn đau đáu với chất lượng y tế thôn bản. Mỗi lần nữ bác sĩ ấy về thăm những trạm y tế vùng cao, ngoài hành trang mang bên mình là chiếc balo đựng vật dụng cá nhân; không thể thiếu túi quần áo dành cho trẻ sơ sinh hay những tấm áo blouse trắng gửi đến tận tay các y, bác sĩ nơi đây. Trong chuyến công tác cuối tháng 9.2024 về xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, vị bác sĩ ấy đã tận tình hỏi han về trang thiết bị vật tư y tế, để thấu hiểu thêm những khó khăn của những y, bác sĩ vùng cao đang ngày đêm bám bản.

Việc đưa kiến thức chuyên môn đến với con người thầm lặng nơi rẻo cao Tây Bắc, bản làng Tây Nguyên… và cả những nơi mà điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trẻ em còn nhiều hạn chế; đã vẽ nên những bức tranh thật đẹp về sự tận tâm, cống hiến của nữ bác sĩ hết lòng vì cộng đồng - "U Phương".

Ban đầu mô hình cô đỡ thôn bản ra đời chỉ nhằm mục đích thay thế bà đỡ "mụ vườn", chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em; đến nay, cô đỡ thôn, bản thực sự đã trở thành "cánh tay nối dài" của ngành y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Họ trực tiếp tham gia thực hiện các chương trình, dự án y tế tại thôn, bản; tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, dinh dưỡng hợp lý và loại trừ các tập tục có hại cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em; vận động phụ nữ mang thai đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai, tiêm phòng uốn ván, đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ và tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em trong độ tuổi...

Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Thị Phương

Đời sống

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Lăng Dành
Xã hội

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nắm bắt tình hình

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập trên 2.100 Tổ Dân vận cộng đồng ở 100% thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình và đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tổ dân vận đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình thông qua thành lập các nhóm Zalo “Tổ Dân vận nòng cốt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Khắc phục bất cập về điều kiện bảo đảm tổ chức, hoạt động
Đời sống

Khắc phục bất cập về điều kiện bảo đảm tổ chức, hoạt động

Về điều kiện bảo đảm tổ chức, hoạt động của công đoàn, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có quy định, cán bộ công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian thực hiện nhiệm vụ của công đoàn; tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thời lượng cụ thể dành cho công tác công đoàn còn thiếu thực tế, không khả thi. Do đó, cần nghiên cứu để có những quy định phù hợp, bảo đảm tổ chức công đoàn có vị thế, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động.

Dấu mốc quan trọng
Đời sống

Dấu mốc quan trọng

Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp và người lao động, đoàn viên ngày càng tăng, nhiệm vụ của công đoàn càng thêm nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ này, hành lang pháp lý về công đoàn cần phải tiếp tục được hoàn thiện. Luật Công đoàn (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám này sẽ là dấu mốc rất quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế và khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong bối cảnh hiện nay.

Ổn định phúc lợi cho người lao động
Đời sống

Ổn định phúc lợi cho người lao động

Theo đánh giá của các ĐBQH, việc duy trì kinh phí công đoàn là một yếu tố quan trọng không chỉ giúp tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả mà còn bảo đảm nguồn lực để công đoàn khẳng định được trách nhiệm, vai trò của mình để tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Phát huy quyền chủ động giám sát
Đời sống

Phát huy quyền chủ động giám sát

Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua trong Kỳ họp thứ Tám là quy định giám sát của công đoàn. Quy định này đã nhận được sự đồng tình của nhiều ĐBQH nhằm phát huy quyền chủ động thực hiện giám sát của tổ chức công đoàn, góp phần phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động để kiến nghị chấn chỉnh hoặc xử lý kịp thời…

Cần lộ trình tăng thuế hợp lý
Xã hội

Cần lộ trình tăng thuế hợp lý

Mục tiêu chính của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều chỉnh hành vi tiêu dùng, không phải tăng thu ngân sách. Đối với thuốc lá, đây là sản phẩm có hại cho sức khỏe, nhưng chính sách thuế cần có lộ trình phù hợp, phải khuyến khích thay đổi hành vi theo hướng lành mạnh hơn, thay vì tạo cơ hội cho việc sử dụng các sản phẩm thay thế không đảm bảo chất lượng, hay buôn lậu.