Tỷ lệ che phủ rừng không đạt, do đâu?
(ĐBNDO)- Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Đại biểu nhân dân về những nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không đạt, Phó chủ tịch HĐDT Nguyễn Lâm Thành cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là công tác kiểm kê, báo cáo của các địa phương thời gian qua chưa thực hiện tốt. Qua tổng rà soát và kiểm kê rừng năm 2015 cho thấy, diện tích rừng bị tụt khá lớn. Chính vì thế làm cho tỷ lệ độ che phủ rừng toàn quốc bị giảm.
Chính sách chưa đủ “sức hút”
- Năm 2015, trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt. Trong 2 chỉ tiêu không đạt này có chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ che phủ rừng không đạt?
- Liên quan đến chỉ tiêu không đạt về tỷ lệ che phủ rừng, theo tôi có rất nhiều lý do. Trước hết, do công tác kiểm kê, công tác báo cáo của các địa phương thời gian qua chúng ta thực hiện chưa được tốt. Qua tổng rà soát và kiểm kê rừng năm 2015 cho thấy, diện tích rừng bị tụt khá lớn. Chính vì thế làm cho tỷ lệ độ che phủ rừng toàn quốc bị giảm.
Hai là, do công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện. Ở đây có vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách. Mặc dù, chúng ta có nỗ lực và định hướng rất lớn, Nghị quyết của Đảng liên quan đến vấn đề bảo vệ và phát triển rừng, Nghị quyết của QH liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong đó có rừng. Tuy nhiên, trên thực tế, những chính sách liên quan đến rừng của chúng ta chưa thực sự đủ sức mạnh để tạo nên những bước chuyển đổi thúc đẩy việc phát triển rừng được tốt hơn, tạo sức hút để người dân có thể tham gia phát triển rừng.
![]() | |
Ảnh minh họa | Nguồn: ITN |
Ba là, trong các khâu tổ chức thực hiện tại các địa phương, bộc lộ rất nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất đai. Trên thực tế, rất nhiều khu vực diện tích rừng nhưng lại chuyển đổi mục đích sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua giám sát của QH, diện tích đất đai của các nông, lâm trường, rất nhiều diện tích rừng phòng hộ được chuyển sang các diện tích sử dụng khác. Nhiều nơi, việc quản lý còn nhiều hạn chế gây ra nhiều bất cập trong việc quản lý đất đai. Bên cạnh đó, nhiều diện tích trên sổ sách được gọi là rừng nhưng thực tế không phải là rừng mà là khu resort, có thể là các dự án bất động sản hoặc chuyển đổi thành khu dân cư…
Một nguyên nhân khác nữa, đó là ngân sách dành cho việc bảo vệ và phát triển rừng thời gian vừa qua rất ít. QH đã có Nghị quyết kết thúc việc thực hiện 5 triệu ha rừng và chuyển sang kinh phí thường xuyên cho việc thực hiện. Chính vì thế mà nguồn lực để cho các địa phương thực hiện mục tiêu này chưa tương xứng với yêu cầu. Ngoài ra, công tác bảo vệ và phát triển rừng cũng liên quan đến các hoạt động phá hoại rừng của lâm tặc, đây là vấn đề bức xúc của địa phương, làm giảm diện tích rừng của địa phương.
Rà soát lại quy hoạch
- Để đạt được chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng (đạt 42%), thì chính sách phát triển rừng thời gian tới cần phải thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Trước hết, cần rà soát lại các quy hoạch. Ngày 21.3 vừa qua, Chính phủ đã trình ra QH báo cáo về điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, cần phải làm tốt việc xác định diện tích rừng, đất ở từng địa phương một trên tổng thể quy hoạch quốc gia về rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, về rừng sản xuất. Đồng thời, xác định một quỹ đất nhất định bảo đảm một chỉ tiêu cần thiết đối với quốc gia về diện tích rừng được phân bổ chặt chẽ tại các địa phương trên cơ sở kiểm soát, quản lý chặt chẽ thống nhất.
Hai là, phải có chính sách phát triển rừng một cách hiệu quả hơn, để bảo đảm cho người dân, nhất là người dân miền núi sống được vì rừng và có nguồn lực từ rừng.
Chẳng hạn, chúng ta có thể tăng được nguồn thu từ quỹ, phí bảo vệ môi trường rừng để cho người dân có thể phát triển được rừng.
Ba là, tạo lợi thế công bằng về ngân sách cho các tỉnh giữ rừng bằng nguồn đóng góp phân bổ từ quốc gia hoặc từ các tỉnh có sản xuất phát triển công nghiệp nhiều thì có trách nhiệm đóng góp, hỗ trợ cho các tỉnh giữ rừng.
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò giám sát của QH trong việc góp phần bảo vệ và phát triển rừng?
- Theo tôi, QH đóng vai trò quan trọng trong công tác giám sát nhằm bảo đảm cho việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả. Trong những năm qua, QH đã tổ chức rất nhiều cuộc giám sát liên quan đến việc bảo vệ và phát triển rừng. Chính vì vậy, mà thúc đẩy quá trình xử lý vấn đề được tốt hơn cũng như đã phát hiện được nhiều vấn đề mà trong cơ chế, chính sách cần phải điều chỉnh để bảo đảm phù hợp hơn.
- Xin cảm ơn Ông!